Huyện Sóc Sơn sắp đấu giá lại 36 thửa đất bị trả giá "phá bĩnh", trong đó có lô hơn 30 tỷ đồng/m2
Theo đó, 36 thửa đất này đã đấu giá không thành công trong phiên ngày 29/11 vừa qua do có một nhóm người trả giá kiểu "phá bĩnh". Trong đó, 3 lô ký hiệu A12, A13, C6 được một nhóm người trả giá tới 30 tỷ đồng/m2. Mức giá này cao gấp 12.000 lần giá khởi điểm. Sau khi ra mức giá cao bất thường tại vòng thứ 5, nhóm người này đã trả 0 đồng ở vòng sau khiến phiên đấu giá bất thành.
Sau đó, 5 người có hành vi "phá hoại" phiên đấu giá bị tạm giữ với cáo buộc Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.
Ngoài 3 thửa đất "cá biệt" trên, còn nhiều thửa đất khác tại khu đấu giá này cũng được khách tham gia phiên trả mức rất cao. Trong đó 13 lô đất được trả hơn 100 triệu đồng/m2, 10 lô được trả tới 98 triệu đồng/m2.
Theo pháp luật hiện hành, chưa có quy định chặt chẽ để xử lý việc cố tình "phá bĩnh" phiên đấu giá đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có hình thức xử lý làm gương để những phiên đấu giá đất được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật.
Một số chuyên gia cho rằng, xuất hiện "virus phá bĩnh" đấu giá đất là do quy định pháp luật về đấu giá có kẽ hở, nhất là ở giai đoạn chuyển tiếp giữa 2 Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Cụ thể, các kẽ hở được chuyên gia nhắc đến: Mức cọc thấp; thời gian thanh toán kéo dài, không có quy định rõ ràng về tiến độ sử dụng đất...
Không chỉ ở huyện Sóc Sơn, ngày 30/11, 22 lô đất tại huyện Thanh Oai cũng không tìm được chủ với lý do tương tự, nhà đầu tư đẩy giá lên cao rồi không tiếp tục trả giá.
Sau đó, huyện Thanh Oai đã thông báo dừng tổ chức đấu giá 39 thửa đất vào ngày 7 và 21/12 tới.
Đây không phải lần đầu tiên Thanh Oai tạm dừng tổ chức đấu giá đất. Hồi đầu tháng 9, huyện Thanh Oai cũng thông báo hủy 2 phiên đấu giá 114 lô đất ở xã Cao Dương để thực hiện công tác rà soát kiểm ra. Đầu tháng 10, huyện Thanh Oai tiếp tục thông báo tạm dừng đấu 197 lô đất tại xã Đỗ Động.