Khách sạn ế ẩm chưa từng có, nhưng là ngành phục hồi mạnh mẽ nhất sau dịch

Khách sạn ế ẩm chưa từng có do dịch 

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cùng với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ như cắt giảm các chuyến bay quốc tế khiến thị trường bất động sản du lịch, khách sạn trong 3 tháng đầu năm ghi nhận công suất cho thuê giảm mạnh.

Ngày 17.4, thống kê của Sở Du lịch TPHCM cho biết, có 90% doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ đã tạm thời đóng cửa và lượng khách quốc tế giảm 43% theo năm xuống còn 1,3 triệu lượt trong 3 tháng đầu năm. Trong tháng 3, lượng khách quốc tế giảm 84% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường chủ yếu như Trung Quốc giảm 32% và Hàn Quốc giảm 26% theo năm.

Theo báo cáo về thị trường khách sạn của Savills Việt Nam mới công bố ngày 16.4, ngành du lịch và khách sạn được dự đoán chịu nhiều ảnh hưởng nhất, trong khi lĩnh vực sản xuất cũng bị sụt giảm do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lượng đơn hàng thấp hơn do tiêu dùng toàn cầu suy giảm nhanh chóng.

Khách sạn ế ẩm chưa từng có, nhưng là ngành phục hồi mạnh mẽ nhất sau dịch - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Khách sạn sẽ phục hồi mạnh mẽ nhất. Ảnh: Nguyễn Tiến Đạt 

Tổ chức Du lịch Thế giới đã điều chỉnh triển vọng lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 giảm từ 1% đến 3%. Đây là lần đầu tiên số lượng du khách quốc tế được dự đoán giảm sau mười năm tăng trưởng liên tiếp.

Việt Nam cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể lượng khách quốc tế, trong đó Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường quan trọng nhất, chiếm 56% lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2019. 

Theo Savills Việt Nam, công suất cho thuê của toàn thị trường giảm xuống mức 48% trong quý I.2020. Trong đó, công suất của phân khúc 5 sao và 4 sao giảm lần lượt là 31% và 27%.

Ngành du lịch, khách sạn sẽ phục hồi mạnh mẽ nhất

Mặc dù tác động của đại dịch COVID-19 được dự báo có thể kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng chuyên gia Savills Việt Nam cho rằng, ngành dịch vụ du lịch và khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng.

Với lợi thế số lượng du khách đa số là khách trong nước (82,5% tổng lượng du khách năm 2019) và các thị trường nước ngoài lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc, các nhóm khách này được  dự đoán sẽ nhanh chóng du lịch trở lại sau khi đại dịch được kiểm soát. COVID-19 cũng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho sản xuất, mở ra thêm nhiều cơ hội cho bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Theo ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam: "Ngành khách sạn là phân khúc bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Tuy nhiên, ngành này cũng sẽ là một trong các ngành đầu tiên vượt qua khó khăn nhanh. Nhu cầu trong nước sẽ vẫn ổn định, ngành khách sạn tại Việt Nam kì vọng sẽ phục hồi nhanh chóng".

Được biết, để tăng khả năng phục hồi và cạnh tranh trên thị trường, chủ các khách sạn, bất động sản du lịch đều thực hiện chính sách ưu đãi giá, đặc biệt là các cơ sở lưu trú tại quận 5, khu vực tập trung nhiều khách sạn 3 sao chủ yếu nhắm đến khách du lịch Trung Quốc. 

Trong buổi đối thoại với Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ vào chiều 16.4, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, kể từ khi bắt đầu đại dịch, doanh nghiệp này phải chịu ảnh hưởng nặng nề đối với lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như du lịch, khách sạn, sân golf, xuất nhập khẩu. 

"Thiệt hại sơ bộ của tập đoàn đến nay khoảng gần 1.000 tỉ đồng và khoảng 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu" - bà Nga nói.

Chính vì vậy, bà Nga đã đề nghị nhanh chóng cho mở cửa lại các khách sạn, sân golf kèm theo các điều kiện về an toàn.

"Cụ thể như nhóm chơi golf không quá 8 người, đứng cách xa nhau 2m để giảm tổn thất cho doanh nghiệp vì phải duy trì chi phí vận hành trong khi không có nguồn thu. Hàng nghìn công nhân của chúng tôi đã phải nghỉ việc", bà Nga nói.

Theo Cường Ngô

Lao động