Khi nào điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được mua với giá trên 671 đồng/ kWh?

Cụ thể, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp, hộ dân sử dụng theo mục đích, yêu cầu gia đình, phần dôi dư ban đầu được đề xuất mua 0 đồng.

Tuy nhiên, sau nhiều ý kiến của chuyên gia, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng theo hướng mua phần điện dôi dư của doanh nghiệp, người dân phát nối lưới lên hệ thống điện quốc gia với giá 671 đồng / kWh, tính theo giá bình quân thấp nhất.

Ngày 5/8, trong báo cáo hoàn thiện Dự thảo nói trên, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất tạm tính giá mua ở mức 671 đồng một kWh. Đáng chú ý, cơ quan này đưa ra cách tính giá mua điện mặt trời tự sản, tự tiêu dư thừa có thể cao hơn mức 671 đồng /kWh.

Theo Bộ Công Thương , chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đang được xây dựng theo hướng người dân được bán phần dư thừa lên lưới quốc gia.

Bộ Công Thương cho rằng, giá mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu dôi dư có phát lên lưới của năm hiện tại được áp dụng không vượt quá giá điện bình quân trong năm trước liền kề, do các bên mua bán thỏa thuận.

Chiếu theo quy định này, EVN cho biết giá điện năng thị trường bình quân năm 2023 là 1.091,9 đồng một kWh. Nếu phương án này được áp dụng, mức giá cho điện mặt trời mái nhà có thể thay đổi so với đề xuất trước đó, không cố định ở 671 đồng một kWh (theo EVN tính toán chi phí tránh được bình quân năm 2023).

Theo chuyên gia và doanh nghiệp, nhà đầu tư điện mặt trời tự sản, tự tiêu có nhu cầu bán điện dư thừa nối lưới có thể căn cứ vào giá điện bình quân trên thị trường của năm liền kề trước đó để đàm phán phương án giá bán điện nối lưới.

Bên cạnh đó, nếu người đầu tư điện mặt trời tự sản, tự tiêu mua điện từ điện lưới quốc gia (trường hợp tại miền Bắc) trong thời gian không có nắng, có thể căn cứ vào mức giá điện bình quân trên thị trường để đàm phán giá mua điện ưu đãi từ EVN hoặc giá bán điện linh hoạt cho EVN theo thỏa thuận hai bên.

Liên quan tới tỷ lệ lượng điện dư được bán lên lưới, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra hai phương án.

Phương án 1, Bộ Công Thương giữ nguyên đề xuất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nối lưới, nếu không dùng hết sẽ được bán nhưng không quá 20% công suất tại miền Bắc và 10% tại các khu vực còn lại (gồm cả khu vực Tây Nguyên).

Phương án 2, người dân được bán không quá 10% công suất lắp đặt thực tế, không chia theo vùng miền.

Với hai phương án trên, Bộ Công Thương cho biết EVN sẽ thanh toán cho phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia theo đúng tỷ lệ công suất được quy định.

Bộ Công Thương khẳng định, phương án 1 như đề xuất khuyến khích lắp đặt tại miền Bắc, đây là vùng có năng lượng bức xạ thấp nhất trong cả nước, chỉ có nắng mùa hè, phù hợp công sở, tòa văn phòng, khu công nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, phương án 1 tạo sự phân biệt giữa các vùng miền, dễ phát sinh nhiều hạn chế, nên Bộ Công Thương đang nghiêng về phương án 2, áp dụng cho cả các vùng miền trên cả nước và không phân biệt vùng miền.

Hiện, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục quy trình xây dựng dự thảo Nghị định này, thống nhất ý kiến, tham gia các ý kiến để hoàn thiện sớm theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng.

Hiện, cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.