Khởi công nhà máy đốt rác phát điện 6.400 tỉ đồng
Theo thiết kế, nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa được cấp phép và đầu tư theo 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 xây dựng phần móng và giằng móng của các hạng mục: Tổ hợp công trình lò đốt phát điện rác, nhà điều hành, nhà ăn và nhà nghỉ nhân viên... Công suất từ 2.000 - 2.600 tấn rác/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 6.400 tỉ đồng. Giai đoạn 2 công suất lên 6.000 tấn rác/ngày, vốn đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng và giai đoạn 3 là 8.600 tấn rác/ngày và vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng.
Theo chủ đầu tư, đốt rác phát điện là công nghệ hiện đại mang đến lợi ích kép về môi trường và kinh tế. Với công suất giai đoạn 1 đốt được 2.000 - 2.600 tấn rác/ngày, nhà máy Tâm Sinh Nghĩa sẽ giúp TP.HCM giảm đáng kể áp lực xử lý rác, khoảng 20 - 25% tổng khối lượng rác TP.HCM thải ra mỗi ngày.
Trước đó, Công ty BCG Energy, thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital đã mua lại Công ty Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, doanh nghiệp xử lý rác tại TP.HCM, Long An và Kiên Giang để bước chân vào lĩnh vực này.
Ngay sau khi tiếp quản Công ty Tâm Sinh Nghĩa, Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Energy tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết. Bên cạnh đó, BCG Energy cũng khẩn trương lựa chọn công nghệ tối ưu phù hợp nhất cho dự án và lên phương án thiết kế nhà máy, tìm kiếm các đối tác công nghệ cũng như làm việc với các tổng thầu xây dựng có kinh nghiệm trong lĩnh vực đốt rác phát điện nhằm tìm ra phương án xây dựng có hiệu quả với thời gian nhanh chóng.
Thống kê năm 2023 cho thấy, lượng rác thải sinh hoạt ở TP.HCM là 9.800 tấn/ngày, trong những ngày cao điểm lễ tết, lượng rác thải tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày.
Nhìn rộng ra cả nước, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Mỗi ngày cả nước đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt, khoảng 60% rác là từ các đô thị.
Chất thải rắn sinh hoạt là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, tốc độ gia tăng trong giai đoạn năm 2021 - 2030 trung bình là 6%/năm. Hầu hết lượng rác thải hiện nay đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường như ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm đất, mùi hôi phát tán, nước rỉ rác chảy ra môi trường.
Đốt rác phát điện đang là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết bài toán xử lý rác thải hiện nay mà vẫn đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân. Tuy nhiên tính đến nay, TP.HCM vẫn chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào vận hành, việc xử lý rác theo công nghệ truyền thống đang gây ra nhiều nguy cơ cho môi trường và lãng phí vì không thu hồi được nhiệt lượng.