Khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh, bài 14: Hoang hoải những dự án nghìn tỷ
“Viễn cảnh” và bỏ hoang
Tháng 6/2007, Dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi được Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cấp giấy phép đầu tư với tổng số vốn công bố là hơn 1.700 tỷ đồng. Ngoài chủ đầu tư là Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh, dự án còn có hai cổ đông chính là Công ty Vạn Lợi và Công ty đầu tư khoáng sản Hợp Thành (đều có trụ sở ở Hà Nội). Mục tiêu đến tháng 8/2010, nhà máy sẽ xuất xưởng tấn phôi thép thương phẩm đầu tiên và hứa hẹn một nền công nghiệp gang thép tại Hà Tĩnh. Ngoài ra, với nguồn thu mỗi năm đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh sẽ nộp ngân sách cho địa phương 250 tỷ đồng, góp phần tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho Hà Tĩnh.
Được ưu ái xây dựng trên diện tích 26ha thuộc phường Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh) – nơi có vị trí giao thông đường bộ thuận lợi, gần khu vực cảng biển. Tuy nhiên, toàn bộ dự án vừa hình thành đã "chết yểu" một cách đầy khó hiểu, không như viễn cảnh nhà đầu tư vẽ ra và mong đợi từ địa phương. Giai đoạn 2007-2010, khi dự án đang thi công một số hạng mục thì đình trệ; cơ sở hạ tầng, máy móc bị "bỏ quên". Nhà đầu tư đưa ra lý do thiếu vốn. Doanh nghiệp thực hiện dự án sau đó làm việc với ba ngân hàng có chi nhánh tại Hà Tĩnh để được ưu đãi, vay hơn 700 tỷ đồng nhằm "cứu vãn". Những tưởng, khó khăn sẽ dần kết thúc, nhà máy gang thép sẽ sớm hoàn thành, hoạt động, thế nhưng dự án vẫn không tiến triển. Đến tháng 5/2015, khi dự án “án binh bất động” nhiều năm, không thể tiếp tục, tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án.
Do chủ đầu tư không đủ khả năng trả nợ số tiền hàng trăm tỷ đã vay của ba ngân hàng, cuối năm 2018, Chi cục thi hành án dân sự địa phương cùng các đơn vị liên quan cưỡng chế, kê biên toàn bộ tài sản, công trình phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thép để phát mại, trả lại tiền cho các ngân hàng. Nhà chức trách sau đó ký hợp đồng với một đơn vị định giá toàn bộ tài sản của nhà máy thép gần 109 tỷ đồng, gồm thiết bị, máy móc nhập khẩu phục vụ cho việc xây dựng khu liên hợp gang thép, tài sản công trình gắn liền với quyền sử dụng đất.
Thế nhưng, 6 năm kể từ khi được đấu giá thành công, công trình trên khu đất ngay cạnh ngã ba Vũng Áng vẫn “cửa đóng then cài”; máy móc, thiết bị rỉ sét, chỉ còn trơ bộ khung. “Từng được kỳ vọng sẽ giúp người dân địa phương có thêm công ăn, việc làm khi nhà máy đi vào hoạt động, thế nhưng mọi thứ đổ vỡ. Hiện, khu vực này cỏ cây um tùm, máy móc chưa được di dời rất lãng phí. Địa phương cũng mong sớm giải tỏa máy móc và trả lại mặt bằng sạch, thu hút nhà đầu tư mới”, một lãnh đạo địa phương cho hay.
“Đỏ mắt... chờ đại bàng”
Cách Khu liên hợp gang thép Vạn Lợi không xa là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phú Vinh (gọi tắt Khu công nghiệp Phú Vinh) do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Phú Vinh làm chủ đầu tư.Tháng 10/2010, dự án được Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn là 23 triệu USD (gần 440 tỷ đồng). Công trình được triển khai xây dựng tại các phường Kỳ Long, Kỳ Liên và Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Theo phê duyệt, trong vòng 3 năm sau khi được chứng nhận đầu tư, giao mặt bằng, chủ đầu tư phải hoàn thành các hạng mục, kêu gọi các nhà đầu tư thuê hạ tầng và lấp đầy dự án. Thế nhưng mãi đến cuối 2017, chủ đầu tư mới bắt đầu triển khai xây dựng.
Đến nay, Khu công nghiệp này chỉ mới hoàn thành hệ thống hạ tầng (đường giao thông, hệ thống điện cao áp, chiếu sáng, cấp thoát nước); thu hút được 7 nhà đầu tư thứ cấp, trong đó chỉ có 2 dự án đi vào hoạt động; còn nhiều hạng mục chưa được thi công, trong đó có khu đất thương mại, dịch vụ. Do chậm tiến độ, cơ quan thẩm quyền của Hà Tĩnh từng lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư này…
Ngay cạnh đó còn có Khu đô thị Phú Vinh với vốn đầu tư hơn 68 triệu USD (tương đương gần 1.500 tỷ đồng). Dự án có diện tích 25 ha. Hiện, dự án mới chỉ hoàn thành tòa nhà 12 tầng, chưa hoạt động. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan Thành Biển - Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, Khu kinh tế Vũng Áng có đầy đủ lợi thế về tự nhiên, hạ tầng và các loại hình giao thông từ đường bộ, đường biển và sắp tới là đường sắt cao tốc. Theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, việc quy hoạch, phát triển khu kinh tế này dựa theo 4 chức năng, trụ cột gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo (sản xuất thép, hậu thép, công nghiệp hàm lượng khoa học kỹ thuật cao); Sản xuất điện và năng lượng (Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, II hay trại phong điện...); Logistic và cảng biển; Thương mại, du lịch và dịch vụ. Theo Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, địa phương đã phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh rà soát các dự án đầu tư trên địa bàn. Từ đó, sẽ xem xét, phân loại dự án nào chậm tiến độ, dự án nào chây ỳ, không hiệu quả hoặc vướng mắc, khó khăn nhằm đưa ra giải pháp cho từng dự án.
“Khu kinh tế Vũng Áng có đầy đủ lợi thế cho quá trình phát triển song kết quả đầu tư chưa tương xứng như kỳ vọng. Việc có các dự án cam kết đầu tư nhưng chây ỳ, không triển khai hoặc kém hiệu quả đã khiến quy mô nền kinh tế địa phương dần bị thu hẹp. Nguồn lao động, thu nhập, việc làm cũng giảm sút, ảnh hưởng lớn cho quá trình phát triển. Giữa những làn sóng đầu tư mới, những dự án chậm tiến độ đã trở thành một “nốt trầm” cho “trái tim nền kinh tế” phía Nam Hà Tĩnh”, ông Phan Thành Biển - Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh.
Với những dự án còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp nào sẽ kiến nghị, đề xuất tìm phương án xử lý, tháo gỡ, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh. Còn dự án chây ỳ, không triển khai đúng tiến độ sẽ kiên quyết thu hồi theo chỉ đạo của tỉnh. Là địa phương đang phấn đấu trở thành thành phố phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh luôn kỳ vọng các dự án đầu tư trên địa bàn nói chung và trong khu vực Khu kinh tế Vũng Áng nói riêng sẽ triển khai xây dựng, đi vào hoạt động. Việc này sẽ giúp thực hiện hiệu quả dự án, tạo công ăn việc làm cho người dân. Từ đó, đời sống, kinh tế, thu nhập người dân sẽ tăng lên, tương xứng với những điều kiện sẵn có.
“Sau nhiều năm chịu ảnh hưởng lớn từ sự cố môi trường biển và đại dịch COVID-19 khiến không ít nhà đầu tư rời đi, đến nay, Khu kinh tế Vũng Áng đang dần xây dựng lại vị thế, hạ tầng giao thông được nâng cấp đáng kể, làn sóng đầu tư cũng đang trỗi dậy. Nhiều dự án tỷ đô đã và đang xây dựng, vận hành để những “nốt trầm” ở những dự án treo sẽ dần bị gỡ bỏ”, vị lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh nói thêm.