Khu vực duy nhất của Hà Nội chỉ được xây công trình cao đến 9 tầng
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội.
Theo đó, Quy chế quy định về quản lý kiến trúc TP. Hà Nội trong địa giới hành chính thành phố với tổng diện tích 3.359,8km2. Đối với khu vực , dự án, công trình đã có Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, đồ án Thiết kế đô thị riêng đã được duyệt thì được áp dụng theo các nội dung đã duyệt.
Ban hành kèm theo quy chế là 9 phụ lục. Mỗi phụ lục quy định riêng về từng kiến trúc của thành phố. Ví như, Phụ lục 01 là danh mục các khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù; Phụ lục 02 là Bản đồ vị trí các khu vực cửa ngõ đô thị; Phụ lục 03 là danh mục các khu vực ưu tiên lập thiết kế đô thị; Phụ lục 09 quy định về công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội.
Theo Phụ lục 09, khu vực nội đô lịch sử của thành phố thuộc phạm vi ranh giới hành chính của 5 quận, gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam quận Tây Hồ.
Về quản lý không gian đối với công trình khu vực nội đô lịch sử, phụ lục 09 đã quy định rõ từng khu vực , cụ thể.
Đường Vành đai 1 (gồm các đoạn tuyến: Trần Khát Chân- Đại Cồ Việt- Xã Đàn- La Thành): tầng cao tối đa 24 tầng (tương đương 86m). Tuy nhiên, khu vực khuôn viên công viên Thủ Lệ không xây dựng công trình cao tầng. Trường hợp nghiên nghiên cứu các công trình cao tầng phải đảm bảo phát huy giá trị không gian cây xanh, mặt nước, kết nối với khu vực phía Bắc, giáp công viên và hồ Thủ Lệ.
Đường Vành đai 2 (gồm các đoạn tuyến: Minh Khai- Đại La- Trường Chinh- Bưởi- Vành đai 2): tầng cao công trình tối đa 27 tầng (97m).
Trong đó, đường ven đê sông Hồng (gồm phía tây các đường An Dương Vương- Âu Cơ- Nghi Tàm- Yên Phụ- Trần Nhật Duật- Trần Quang Khải- Trần Khánh Dư- Nguyễn Khoái) tầng cao công trình từ 21 - 39 tầng (từ 76m- 140m).
Phía Tây đường Âu Cơ (đoạn từ nút giao với Lạc Long Quân đến nút giao đường Xuân Diệu) không xây dựng thêm công trình cao tầng, nghiên cứu bảo tồn cảnh quan khu vực hồ Tây và xung quanh.
Phía Tây Đường Yên Phụ- Trần Nhật Duyệt- Trần Quang Khải (đoạn từ nút giao với đường Hàng Đậu đến nút giao với đường Lò Sũ), phía Tây đường Trần Quang Khải (đoạn từ nút giao với phố Lê Phụng Hiểu đến nút giao với phố Tràng Tiền) không xây công trình cao tầng.
Phía Tây đường Âu Cơ và đường Nghi Tàm (đoạn từ nút giao với Đường Xuân Diệu đến nút giao đường Thanh Niên) chiều cao/tầng cao cụ thể sẽ xem xét trên cơ sở quá trình triển khai thực tế hoặc thiết kế đô thị được duyệt.
Khu vực hai bên tuyến phố hướng tâm: tầng cao công trình từ 9 tầng (32m) đến 27 tầng (97m).
Cụ thể: Tuyến phố Giảng Võ- Láng Hạ tầng cao từ 21- 27 tầng. Trong đó, phố Giảng Võ (đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Thái Học đến nút giao với đường Cát Linh) không xây dựng công trình cao tầng. Đối với các ô đất nằm giáp với chỉ giới đường đỏ tại nút giao Cát Linh- Giảng Võ nghiên cứu xây dựng công trình cao tối đa 21 tầng (76m).
Tuyến đường Văn Cao- Liễu Giai- Nguyễn Chí Thanh: Công trình cao từ 24-27 tầng.
Tuyến đường Tôn Đức Thắng- Nguyễn Lương Bằng- Tây Sơn: Công trình cao từ 9-24 tầng. Trong đó, phố Tôn Đức Thắng (đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Học đến nút giao ngõ 221 Tôn Đức Thắng) và phố Lê Duẩn (đoạn từ nút giao Khâm thiên đến nút giao với đường Xã Đàn) không xây dựng công trình cao tầng.
Phố Lê Duẩn (đoạn từ nút giao với đường Hai Bà Trưng đến nút giao với phố Khâm Thiên) tầng cao tối đa 9 tầng (32m). Trong đó phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực , nghiên cứu bảo tồn công trình ga Hà Nội; phía Đông tuyến đường không xây dựng công trình cao tầng.
Khu vực hai bên tuyến phố phố chính: Tầng cao từ 13- 24 tầng.
Trong đó, các phố Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám (đoạn từ nút giao với đường Hùng Vương đến nút giao với phố Ngọc Hà), phố Lò Đúc, phố Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đội Cấn (đoạn nút giao với ngõ 210 Đội Cấn đến nút giao với phố Ngọc Hà) không xây dựng công trình cao tầng. Một số ô đất nằm giáp với chỉ giới đường đỏ được nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng theo quy định.
Ngoài ra, Phụ lục 09 cũng quy định chiều cao công trình tại một số nút giao tại khu vực nội đô lịch sử của thành phố.
Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội có hiệu lực từ ngày 10/1/2025.