Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc: Thừa cung, thiếu cầu và nỗ lực phục hồi năm 2025
Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc: Thừa nhà, thiếu người
Theo The Economist, Trung Quốc có 32 triệu ngôi nhà không bán được. Các bất động sản nhàn rỗi hoặc những căn hộ đã được mua trước đó để đầu tư nhưng không người ở có thể lên tới 90 triệu. Ngay cả khi dân số Trung Quốc đang tăng, việc lấp đầy những ngôi nhà này đã là một thách thức lớn, trong khi dân số Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 204 triệu người trong 30 năm tới.
Ngoài ra, có khoảng 50 - 60 triệu căn hộ đã được mua nhưng vẫn bỏ trống, chủ yếu tập trung ở các thành phố nhỏ. Nguyên nhân chính là do nhiều người dân, thiếu kênh đầu tư hấp dẫn, đã đổ tiền vào bất động sản với mục đích đầu cơ.
Thậm chí, theo khảo sát của Citi Research, 74% hộ gia đình tại các thành phố lớn sở hữu từ 2 căn nhà trở lên, trong đó gần 20% sở hữu 3 căn hoặc hơn. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thừa cung.
Việc giải quyết tình trạng thừa cung bất động sản ở Trung Quốc đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trong bối cảnh kinh tế suy giảm. Trong năm 2024, Bắc Kinh đã triển khai gói cứu trợ quy mô lớn, trong đó Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cung cấp 42 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại dưới dạng các khoản vay ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước mua lại bất động sản bỏ hoang và chuyển đổi thành nhà ở giá rẻ. Đây được xem là một trong những giải pháp mạnh tay nhất để kích cầu thị trường nhà đất đang bị sụt giảm kéo dài nhiều năm nay.
Tuy nhiên, số tiền được giải ngân mới chỉ đạt 4% tổng hạn mức. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, ngay cả khi có nguồn vốn vay ưu đãi, việc chuyển đổi này vẫn gặp nhiều khó khăn do giá thuê nhà ở giá rẻ quá thấp, không đủ để các doanh nghiệp thu hồi vốn và sinh lời.
Trung Quốc "dốc" toàn lực tập trung ổn định thị trường bất động sản 2025
Trên trang caixin.vn (cơ quan truyền thông Trung Quốc) mới đây cho biết: Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc đề cập đến việc giải phóng triệt để tiềm năng của nhu cầu nhà ở, cung cấp đất bất động sản mới và phục hồi đất hiện có, thúc đẩy việc xử lý nhà ở thương mại hiện có, thúc đẩy việc thiết lập một mô hình phát triển bất động sản mới và thiết lập các hệ thống cơ bản có liên quan một cách có trật tự.
Theo dữ liệu thống kê, giá nhà mới ở Trung Quốc trong tháng 12/2024 đã lần đầu tiên đạt trạng thái ổn định sau 18 tháng giảm liên tiếp. Đây là kết quả của chuỗi các biện pháp kích thích kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc đã triển khai. Trước đó, vào tháng 11, giá nhà mới vẫn giảm 0,1% so với tháng trước đó và giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đà giảm đang được kiềm chế rõ rệt.
Trong nỗ lực nhằm khôi phục sự ổn định, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai các biện pháp quyết liệt. Giảm tỷ lệ đặt cọc tối thiểu đối với người mua nhà lần đầu và nới lỏng hạn chế mua nhà đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm khách hàng có nhu cầu thực. Theo dự báo, nhờ vào những giải pháp này, nhu cầu tiêu dùng bất động sản sẽ tăng đần trong những tháng tới.
Chính phủ cũng dự kiến thành lập một "ngân hàng xấu" để xử lý tài sản bất động sản dư thừa. Ngân hàng này sẽ mua lại các căn hộ chưa bán được và chuyển đổi thành nhà ở xã hội. Biện pháp này đề cao tính hiệu quả bền vững khi đối phó với tình trạng cung vượt cầu, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhóm dân số thu nhập thấp.
Ngoài ra, xu hướng chuyển đổi số đang dần định hình là một trong những trụ cột đổi mới trong ngành bất động sản Trung Quốc. Các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa quy trình kinh doanh, từ việc bán nhà đến vận hành tòa nhà. Điều này giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Tổng thể, những biện pháp mà Chính phủ Trung Quốc đã và đang triển khai không chỉ nhằm khắc phục khó khăn hiện tại mà còn hướng đến sự phát triển bền vững về lâu dài. Sự đổi mới và tính linh hoạt trong chiến lược phục hồi được kỳ vọng sẽ quyết định tương lai của ngành bất động sản Trung Quốc trong những năm tới.