Kiến nghị giảm lãi suất cho người vay mua nhà ở xã hội
Xem xét thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất
HoREA cho rằng thị trường bất động sản đang rất thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại do vướng mắc pháp lý. Không chỉ vậy, cơ cấu sản phẩm nhà ở đang bị "lệch pha" về phân khúc nhà ở cao cấp, rất thiếu nhà ở nhà ở thương mại giá vừa túi tiền dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong các năm gần đây. Đồng thời, thị trường bất động sản đã bị khủng hoảng kéo theo nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn nghiêm trọng về dòng tiền và thanh khoản trong các năm 2022 - 2023. Bên cạnh đó, đa số người thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị có nhu cầu thực mua nhà để ở rất khó tiếp cận, rất khó tạo lập nhà ở.
Để giải quyết những bất cập trên, HoREA đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất theo tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội.
Đề nghị các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương thực hiện Nghị quyết 54/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai…
Quốc hội xem xét sớm thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch, luật Đầu tư, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và luật Đấu thầu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chứng khoán, luật Kế toán, luật Kiểm toán độc lập, luật Ngân sách Nhà nước, luật Quản lý sử dụng tài sản công, luật Quản lý Thuế và luật Dự trữ quốc gia và dự án luật Thuế VAT, luật Thuế thu nhập cá nhân, luật Đấu giá tài sản, luật Quy hoạch đô thị, nông thôn, luật Đầu tư công để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án đầu tư công cũng như các dự án đầu tư của khu vực tư nhân.
Tháo gỡ vướng mắc của hơn 500 dự án bất động sản
Hiệp hội đề nghị phát huy hiệu quả vai trò của ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban cùng với tổ công tác của Chính phủ, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các tổ công tác tại một số địa phương trọng điểm sẽ tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn của khoảng hơn 500 dự án bất động sản, nhà ở thương mại trong cả nước, trong đó TP.HCM có hơn 148 dự án. Tháo gỡ được khó khăn này vừa tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản, vừa tạo điều kiện kéo giảm giá nhà và cơ cấu lại sản phẩm nhà ở theo hướng tăng nguồn cung nhà ở thương mại giá vừa túi tiền.
Đối với đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030, HoREA kiến nghị hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào quy định của Nghị định 100/2024 đã có Công văn 4524 ngày 1.8 điều chỉnh mức lãi suất chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015 đối với các khoản vay đã ký hợp đồng tín dụng trước ngày 1.8.2024. Theo đó lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Hiện nay, mức lãi suất cho vay là 6,6%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức lãi suất gọi là ưu đãi này quá cao so với lãi suất cho vay thương mại thông thường của các tổ chức tín dụng hiện nay. Chính vì vậy HoREA đề nghị xem xét điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ tại Ngân hàng Chính sách xã hội về mức lãi suất 3% hoặc 4,8%/năm là phù hợp, để chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi với lãi suất từ 3,6% hoặc 5,76%/năm và người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi với lãi suất từ 3% hoặc 4,8%/năm là phù hợp.
Song song đó, HoREA đề nghị bổ sung vào Nghị định số 100/2024 quy định công nhận nhà ở riêng lẻ là nhà trọ cho thuê dài hạn cũng là một hình thức nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, kinh doanh để các chủ nhà trọ cũng được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng và về thuế với mức thuế khoán giảm về mức bằng 3,5%/doanh thu, bao gồm 2,5% thuế GTGT và 1% thuế TNCN (hiện nay đang là 7%/doanh thu, bằng với chủ khách sạn mini). Đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung luật Thuế VAT, luật Thuế thu nhập cá nhân quy định chính sách ưu đãi về thuế đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê theo hướng được giảm 70% thuế suất thuế VAT về mức 3% và được giảm 70% thuế suất thuế thu nhập cá nhân về mức 6% để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội để cho thuê.