Kinh doanh homestay tại Hà Nội: Có thật 1 vốn 4 lời?
Mô hình kinh doanh homestay đã du nhập vào Việt Nam từ lâu, không chỉ ở các địa phương có tiềm năng về du lịch, mà còn là trào lưu đầu tư của dân văn phòng ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh. Họ có thể mua hoặc thuê đất, xây homestay để cho thuê như một nhà nghỉ độc lập với không gian được thiết kế có “chất” riêng, độc, lạ, bắt mắt để thu hút khách hàng trong nước và quốc tế.
Cũng bởi “chất” riêng này nên chính người dân đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội cũng chọn thuê homestay vào dịp cuối tuần để thay đổi không khí, làm điểm nghỉ dưỡng ngắn ngày. Hoặc với nhiều người những địa điểm thiết kế độc, lạ cũng là nơi để tổ chức các bữa tiệc gia đình, sinh nhật hay đám cưới.
Số liệu thống kê của Công ty Dữ liệu và phân tích cho thuê ngắn hạn (AirDNA) tại Việt Nam cho thấy, trong vòng hơn 2 năm trở lại đây (từ 2017 đến nay), số lượng homestay chỉ tính riêng ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2017, có khoảng 8.000 sản phẩm (riêng Tp. Hồ Chí Minh có 5.000 sản phẩm) thì đến nay đang tăng lên gần 30.000 sản phẩm (trong đó Hà Nội chiếm khoảng 11.000 sản phẩm), tăng khoảng 4 lần so với thời điểm cách đây 2 năm.
Theo tìm hiểu của PV, quá trình xây dựng hoặc cải tạo 1 homestay rất nhanh, chỉ khoảng 2 tuần – 3 tháng là nhà đầu tư đã có thể bắt tay vào khai thác kinh doanh để thu hồi vốn. Hiện nay, giá cho thuê homestay tại Hà Nội dao động khoảng từ 300.000 đồng đến trên 3 triệu đồng/căn tùy vào chất lượng và tiện nghi của từng homestay.
Với thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, chủ homestay không cần mất nhiều chi phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông mà thường đăng thông tin cho thuê trên các trang mạng như Airbnb, homestay, counchsurfing, home Exchange… Nếu tỷ lệ đặt phòng khoảng 60% thì 1 tháng chủ homestay đã có khoảng 5,4 – 54 triệu đồng/căn. Trừ chi phí quản lý, thuê căn hộ thì đây là mức thu nhập ấn tượng, rất phù hợp để công chức, dân văn phòng có thêm nguồn thu nhập thụ động ngoài công việc chính.
Được đánh giá là kênh đầu tư mới, đem đến lợi nhuận cao, tiềm năng phát triển trong tương lai, tuy nhiên để thành công với mô hình kinh doanh này không phải dễ dàng. Trao đổi với chị Nguyễn Thị Hồng Vân, chủ một homestay trên đường Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội), chị Vân cho biết, chị đã kinh doanh homestay được hơn 2 năm. Ban đầu chị đầu tư xây dựng 1 căn hộ với số vốn hơn 400 triệu, vay từ ngân hàng. Sau 3 tháng, homestay của chị Vân đi vào hoạt động.
Khách đến homestay của chị không chỉ là du khách nước ngoài mà còn là khách ngoại tỉnh hoặc ngay cả người dân sinh sống tại Hà Nội muốn tìm một không gian mới mẻ để nghỉ dưỡng. Chính vì vậy, nguồn thu của chị Vân quanh năm, doanh thu trung bình mỗi tháng từ 100 – 150 triệu. Sau khi trừ các chi phí quản lý, thuê đất… chị lãi khoảng 60 – 100 triệu. Sau 1,5 năm chị hoàn vốn. Thấy tiềm năng của mô hình kinh doanh này, 1 năm trở lại đây, chị xây dựng thêm 2 căn homestay khác bên cạnh với chi phí khoảng 700 triệu, dự tính sẽ hoàn vốn trong năm nay.
Nhận định về thị trường homestay tại Hà Nội, chị Vân chia sẻ: “Hiện nay kinh doanh homestay vô cùng cạnh tranh. Không chỉ các homestay cạnh tranh với nhau, mà còn phải cạnh tranh với vô số khách sạn, nhà nghỉ lớn nhỏ, đã có rất nhiều homestay phải sang nhượng lại. Bởi nhiều bạn trẻ chỉ nghĩ đơn giản, đầu tư thiết kế độc, lạ, ở trung tâm phố cổ là có thể hút khách. Có nhiều người còn bỏ cả công việc chính để đầu tư vào kinh doanh homestay.”
Theo chị Vân, nhiều bạn cho rằng tìm thuê được 1 căn chung cư cũ tại trung tâm phố cổ Hà Nội để kinh doanh mô hình này với giá 6 triệu là đã hời. Nhưng khi vào làm với giá cho thuê khoảng 800 ngàn/đêm, chỉ 60% số ngày trong tháng là có khách thuê, trừ các chi phí điện nước, nhân viên… chỉ còn lãi khoảng 8-9 triệu nếu tính toán tốt.
Chưa kể đến kinh doanh homestay cũng khá vất vả khi nhà cửa hỏng hóc, đồ đạc bị khách làm hỏng phải tự sửa chữa để bớt chi phí. Hay giờ giấc của khách cũng không cố định, nửa đêm, sớm tối bất cứ khi nào có điện thoại là phải có mặt để trao chìa khóa phòng. Không chỉ vậy, nhiều khách hàng gọi điện đặt phòng nhưng lại không đến khiến cho phòng bị bỏ trống, có trường hợp khách hàng lặng lẽ bỏ đi mà không thanh toán tiền phòng... Chính vì vậy, nhiều bạn đang kinh doanh kiểu “lấy công làm lãi” và sang nhượng homestay sau một thời gian ngắn kinh doanh.
“Tuy nhiên, theo mình thì không một ngành nghề nào, môi trường nào mà không có sự cạnh tranh. Vì vậy, muốn phát triển tốt mô hình kinh doanh này, cần phải tìm một lối đi riêng, định hình phong cách và xác định rõ khách hàng mục tiêu của mình, có chiến lược rõ ràng… mới có khả năng thành công được!” chị Vân vui vẻ chia sẻ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh doanh mô hình homestay có nhiều tiềm năng và sẽ bùng nổ trong khoảng 3-5 năm tới, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do nhà đầu tư thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm hay địa điểm không hợp lý, sự thiếu ý thức của khách hàng, chủ nhà yêu cầu tăng giá, đòi nhà... Điều này cũng hợp lý, bởi theo số liệu thống kê của Công ty AirDNA Việt Nam, tính đến hết năm 2018, tổng số homestay được ghi nhận tại Hà Nội là trên 11.000 sản phẩm nhưng chỉ có khoảng 6.400 sản phẩm là có hoạt động thực sự, số còn lại là hoạt động không hiệu quả hoặc đăng ký nhưng không hoạt động.
Theo Hà Kiều
Dân Việt