Kỳ vọng gì về dòng vốn FDI chảy vào thị trường bất động sản Bình Dương?

Doanh nghiệp FDI "đổ vốn" vào bất động sản

Nhiều năm nay, khu vực các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài (FDI) tham gia vào lĩnh vực công nghiệp dịch vụ, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Điều này giúp thị trường nhà ở tăng nguồn cung, đa dạng sản phẩm, đặt biệt với tiềm lực tài chính từ vốn doanh nghiệp nước ngoài giúp cho các nhà đầu tư, người mua nhà an tâm hơn về công tác xây dựng, tiến độ bàn giao.

Trong đó, Bình Dương đã là "vùng trũng" thu hút nguồn vốn FDI cực lớn. Thực tế, các doanh nghiệp FDI đang dành sự quan tâm đặc biệt tới thị trường bất động sản của tỉnh này khi liên tiếp đầu tư vào những dự án có quy mô lớn, bài bản.

Đơn cử, hồi tháng 4/2024, UBND tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho tập đoàn Sumitomo Forestry, tập đoàn Kumagai Gumi, Tập đoàn phát triển đô thị NTT, (các tập đoàn đến từ Nhật Bản), khi các đơn vị này tham gia góp vốn vào dự án The One World có quy mô gần 50ha với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư TT Capital cùng 2 đối tác đến từ Nhật Bản là Cosmos Initia (thành viên của Daiwa House Group) và Koterasu hợp tác phát triển dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương với vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD trong 5 năm. Với quy mô đưa ra thị trường gần 2.000 căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng/căn.

Bên cạnh thu hút các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, thị trường bất động sản ở Bình Dương còn thu hút "ông lớn" Tập đoàn Capitaland Development (Việt Nam) tham gia dự án nhà ở quy mô lớn (18,9 ha) với gần 3.500 căn hộ, đáp ứng nhu cầu khoảng 13.000 cư dân. Tổng giá trị phát triển dự án khoảng 18.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Gamuda Land "rót" vốn vào dự án quy mô 5,6ha tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một với tổng vốn đầu tư 117 triệu USD. Tập đoàn này cũng đang phát triển dự án tại Nhơn Trạch, Đồng Nai với quy mô gần 18,26ha vốn đầu tư khoảng 1.430 tỷ đồng.

Được biết, Tập đoàn Bcons, một đơn vị đã có nhiều dự án nhà ở xã hội tại Bình Dương, cũng đang bắt tay với Asset Limited (Thái Lan), tiếp tục làm 11 dự án nhà ở với tổng cộng gần 9.000 căn hộ thuộc phân khúc vừa túi tiền tại địa phương này.

Lợi thế vùng hút đầu tư kỳ vọng bất động sản đột phá

Theo báo cáo của Công ty TNHH Cushman & Wakefield Việt Nam, trong hơn 2 quý vừa qua, vốn FDI tại khu vực phía Nam đến từ các nước như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc… Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 20% vốn FDI đăng ký mới và 9% vốn FDI thực hiện, là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang chuẩn bị sẵn sàng cho một chu kỳ mới.

Là một trong những doanh nghiệp hiện đang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển dự án bất động sản tại thị trường Bình Dương, bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Kim Oanh Group chia sẻ: "Việc kết hợp giữa các tập đoàn Việt Nam và các tập đoàn đến từ nước ngoài là một bước tiến quan trọng, một minh chứng cho sự tin tưởng và hợp tác giữa các doanh nghiệp hàng đầu. Với mong xây dựng giá trị bền vững cho cộng đồng. Phát triển dự án nhà ở đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà người mua, nhà đầu tư mong muốn".

Trao đổi với Dân Việt, giám đốc một công ty bất động sản cho cho biết thời gian qua, Việt Nam đang là điểm đến được nhiều nước trên thế giới hướng đến để đầu tư vì các ưu thế cơ chế chính sách mở cửa hội nhập, hợp tác sâu rộng. Theo đó, nhiều lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, y tế, bất động sản đã được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn rót vốn.

"Với lĩnh vực bất động sản, Bình Dương đang địa phương có vị trí chiến lược với môi trường kinh doanh thuận lợi, kết cấu hạ tầng chất lượng cao, quỹ đất làm dự án sạch… Đặc biệt, nhu cầu sở hữu nhà ở, sở hữu tài sản bất động sản của người dân đã tạo nên những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường này. Đây sẽ là trợ lực quan trọng giúp thị trường bất động sản phát triển và thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước", vị này cho hay.

Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore… là nhóm quan tâm nhiều nhất đến phân khúc phục vụ nhu cầu ở tại các tỉnh thành phía Nam. Chuyên gia đánh giá thị trường ở khu vực này đang trên đà phát triển và tiềm năng về khách hàng rất lớn. Đặc biệt là nhu cầu về nhà ở, không chỉ phát triển ở phân khúc cao cấp mà các nhà đầu tư FDI còn hợp tác phát triển các khu nhà ở với tài chính vừa phải.

Với những tiềm năng và lợi thế của mình, thời gian qua, không chỉ doanh nghiệp ngoại, mà rất nhiều nhà đầu tư trong nước cũng liên tục rót vốn vào thị trường bất động sản tại Bình Dương, tập trung vào phân khúc tiềm năng, thiết thực nhất là nhà ở xã hội vừa túi tiền.