La liệt shop hàng đóng cửa, trả mặt bằng ở con phố sầm uất bậc nhất Hà Nội
Ế ẩm, nhiều cửa hàng “ngậm ngùi” trả mặt bằng
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu mua sắm giảm. Tâm lý hạn chế tiếp xúc người lạ, đến nơi đông người và nỗi lo về suy thoái kinh tế khiến người dân “ngại” chi tiền.
Hoạt động kinh doanh nhiều quán xá, cửa hàng tại Hà Nội vì thế gặp khó khăn, một “làn sóng” trả mặt bằng xuất hiện trên những con phố vốn sôi động, đắt đỏ bậc nhất.
Ở những con phố này, tại thời điểm bình thường khi chưa có “đại dịch” xảy ra, hiếm hoi lắm người ta mới có tthể huê được mặt bằng vị trí tốt.
Theo ghi nhận của PV, chỉ một đoạn đường ngắn cỡ độ trăm mét nhưng có tới cả chục cửa hàng treo biển “cho thuê, chuyển nhượng mặt bằng” trên phố Chùa Bộc.
Được mệnh danh là “phố quần áo" sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất Thủ đô, nhưng nay la liệt cửa hàng đóng cửa, lượng khách mua sắm thưa thớt dù là ngày cuối tuần.
Theo tìm hiểu, phần lớn chủ cửa hàng do kinh doanh gặp khó khăn nên đã quyết định trả lại mặt bằng. Đặc biệt là những hộ kinh doanh có vốn mỏng, không cầm cự được.
Một số nhỏ khác, do việc bán hàng không được thuận lợi, kèm theo đó là lo ngại dịch bệnh nên nhiều cửa hàng đã tạm thời đóng cửa, chờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ mở lại.
Chủ một cửa hàng cho thuê có diện tích khá lớn trên mặt đường Chùa Bộc cho biết: “Khách cũ nói kinh doanh khó khăn nên đến thời hạn thanh toán đã quyết định lại trả mặt bằng. Cũng có một số khách mới có nhu cầu cho thuê gọi điện hỏi nhưng đều đưa ra cái giá khá thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Mặc dù giá mới tôi đưa ra đã thấp hơn giá cũ 10% rồi”.
“Từ Tết ra sinh viên nghỉ dài, hàng quán ế ẩm lắm. Doanh thu sụt giảm mạnh. Ngay cả dân văn phòng họ cũng làm việc ở nhà nhiều hoặc không cũng ngại đi mua sắm. Trong khi đó, giá thuê ở khu vực này vô cùng đắt", chủ một cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc chia sẻ.
Theo tìm hiểu, một mặt bằng tại phố Chùa Bộc có diện tích 110m2, mặt tiền 5m được rao với giá 75 triệu đồng/tháng. Một căn nhà có diện tích nhỏ hơn nhưng 4 tầng được rao với giá 100 triệu đồng/tháng, thuê nguyên căn. Một số diện tích nhỏ hơn, tầm 20m2 một sàn được rao với giá 15-20 triệu đồng/tháng...
Tiếp giáp ngay với Chùa Bộc, các con phố vốn kinh doanh rất nhộn nhịp như Phạm Ngọc Thạch, Thái Hà cũng xuất hiện nhiều tấm biển “cho thuê", “sang nhượng cửa hàng”. Một số khác không treo biển “cho thuê”, chỉ dán thông báo đóng cửa vì dịch.
Trao đổi với Dân trí, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Batdongsan.com.vn cho biết, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp do đó mọi loại hình BĐS đều bị hảnh hường. Loại hình BĐS chịu ảnh hưởng nặng nhất là cho thuê.
“Nhiều khách hàng trả lại mặt bằng kinh doanh, trả lại nhà do kinh doanh trong ngắn hạn không hiệu quả”, ông Tuấn cho biết.
Cũng chính vì điều này, chủ nhà tìm mọi cách để tìm kiếm khách mới, lượng tin đăng cho thuê nhà trên Batdongsan.com.vn tăng trên 30%, giá cho thuê giảm 3-8% tùy loại hình cho thuê.
Theo thông tin từ CBRE, đối với thị trường bất động sản, một số khách thuê đã hoãn lại các quyết định thuê mặt bằng, các cửa hàng bán lẻ đang chịu áp lực từ việc sụt giảm đáng kể lượng khách mua sắm.
Xu hướng giảm giá ngày càng rõ nét, người đi sẽ có kẻ đến
Theo nhận định của chuyên gia đến từ JLL, hoạt động đầu tư có thể sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2020 do các nhà đầu tư do dự trước tình hình bất ổn, theo đó lĩnh vực bán lẻ là phân khúc bị đánh giá ảnh hưởng nhiều nhất.
“Thị trường bán lẻ bước vào giai đoạn rủi ro cao đối với dòng tiền và tăng chi phí vận hành phát sinh do sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng và gián đoạn chuỗi cung ứng”, JLL nhận định.
Bà Võ Thị Khánh Trang, chuyên gia Savills cũng cho biết, để thu hút khách thuê, chủ nhà cung cấp giá thuê vừa qua đã giảm giá từ 10% đến 20% so với giá cuối năm 2019 hoặc linh hoạt cho thuê theo diện tích khách thuê mong muốn, thay vì bắt buộc thuê nguyên căn.
Đối với các nhà phố đang cho thuê, nhiều chủ nhà cũng có những động thái thương lượng hỗ trợ khách thuê về giá thuê; như một số chủ nhà chấp nhận miễn phí ít nhất 1 tháng thuê đến khách thuê kinh doanh nhà hàng hay giảm 30% đến 50% giá thuê trong ngắn hạn đối với khối kinh doanh cửa hàng tiện ích.
Với tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp của dịch COVID – 19 trong những tháng đầu năm 2020 và dự kiến kéo dài trong vài tháng tới, Savills nhận định các dự án bán lẻ hiện đại sẽ không tăng giá thuê; đồng thời các chủ đầu tư có động thái hỗ trợ khách thuê duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo tỷ lệ lấp đầy của dự án.
Một chuyên gia bất động sản nhận xét, tình trạng trả mặt bằng hàng loạt cho thấy dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Đặc điểm của dịch Covid-19 là lây lan nhanh nên mọi người được khuyến cáo hạn chế đến chỗ đông người, đó chính là điều dẫn đến tình trạng kinh doanh ế ẩm.
Việc trả lại mặt bằng hay sang nhượng lại mặt bằng có ảnh hưởng rất lớn đến cả người thuê và phía cho thuê. Vì thế, sẽ xu hướng giảm giá ở phân khúc bất động sản này. Theo đó, người cho thuê muốn cho thuê được mặt bằng sẽ phải chấp nhận mức giá “mềm” hơn so với thời điểm trước.
Bên cạnh đó, thách thức của người này sẽ là cơ hội kinh doanh cho một số người khác. Nhiều cửa hàng buộc phải chuyển đi khi làm ăn không thuận lợi, nhưng cũng không ít người mới đến tìm cơ hội cho những ý tưởng kinh doanh mới.
Một số hình ảnh ghi lại trên tuyến phố Chùa Bộc với loạt cửa hàng treo biển "cho thuê, sang nhượng":
Nguyễn Mạnh