Lãi suất vay mua nhà sẽ theo xu hướng nào trong năm 2025?
Trong báo cáo “Tổng quan ngành Ngân hàng 2024 và xu hướng phát triển 2025” của MBBank, ngân hàng này cho biết: Tính đến thời điểm cuối năm 2024, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng; các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Điều này dẫn chứng việc khả năng tăng lãi suất vay mua nhà trong thời gian gần là rất ít. Thậm chí, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế còn cho rằng: Mặc dù lãi suất thấp, người dân vẫn không mấy mặn mà với việc vay mua nhà. Nếu tình trạng này kéo dài, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ phải can thiệp bằng cách bơm tiền vào nền kinh tế nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư.
Việc bơm tiền để kích thích nền kinh tế không chỉ là một lựa chọn mà có thể trở thành tất yếu trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức độ và cách thức triển khai sẽ quyết định rất lớn đến tác động của chính sách này, đặc biệt là với thị trường bất động sản - lĩnh vực nhạy cảm với dòng tiền, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu cho rằng, trên góc nhìn lạc quan, nếu chu kỳ bơm tiền được khởi động, bất động sản sẽ là một trong những lĩnh vực hưởng lợi lớn. Trong giai đoạn 2020 - 2021, thị trường đã chứng kiến giá trị tài sản tăng trưởng mạnh mẽ nhờ dòng tiền rẻ chảy vào thị trường. Nếu lịch sử lặp lại, các phân khúc như nhà ở trung, cao cấp, bất động sản công nghiệp sẽ thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ nhà đầu tư.
Cũng theo ông Hiếu, việc bơm tiền vào nền kinh tế thường đi kèm với việc giảm lãi suất, qua đó làm giảm chi phí vay vốn mua nhà. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận với vốn, thúc đẩy nhu cầu và kéo theo sự tăng giá của bất động sản.
Tuy nhiên, việc bơm tiền cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, dòng tiền dồi dào có thể chảy vào bất động sản một cách ồ ạt, tạo ra bong bóng tài sản. Khi bong bóng vỡ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, gây ra sự mất ổn định cho nền kinh tế.
Không nhiều nhưng lãi suất vay mua nhà vẫn có khả năng tăng
Ở chiều ngược lại, theo báo cáo của SSI Search, từ tháng 11/2024 tới nay, một số ngân hàng trong nước như Agribank, Techcombank, VIB và MBB điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động. Lãi suất huy động trung bình từ đó tăng từ 4,8%/năm lên 5,5%/năm vào cuối năm.
Các kênh đầu tư hấp dẫn như vàng và bất động sản với tỷ suất lợi nhuận cao đã làm giảm sức hút của tiền gửi ngân hàng, khiến các tổ chức tín dụng phải điều chỉnh lãi suất để huy động vốn. Với chi phí vốn tăng nhẹ, lãi suất cho vay mua nhà dự kiến sẽ tăng từ đầu năm 2025.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính dẫn chứng, nếu lãi suất mua nhà rục rịch tăng thêm 0,5 - 1 điểm % thì cũng đã kéo chi phí tài chính của người vay lên hàng chục triệu đồng/năm. Điều này khiến phần lớn người dân trì hoãn kế hoạch mua nhà và ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua trên thị trường.
Theo ông Nghĩa, đây là vấn đề muôn thuở lặp đi lặp lại trong hàng chục năm vừa qua. Không chỉ làm thanh khoản thị trường này trở lên nguội lạnh mà thậm chí còn gia tăng "vỡ" nợ xấu tại các ngân hàng.
Hiện tại, dù có tăng thì lãi suất vay mua nhà vẫn đang ở mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, ông Nghĩa nhấn mạnh nhà đầu tư cần thật sự cẩn trọng khi sử dụng đòn bẩy tài chính. Nhất là trong bối cảnh thanh khoản thật của thị trường vẫn còn yếu, nếu ham vay quá nhiều sẽ dễ "ngậm trái đắng".
Một thách thức khác trong việc lãi suất tăng cũng khiến nhà đầu tư cá nhân trở nên thận trọng hơn. Thay vì đổ tiền vào bất động sản, nhiều người có thể chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán hoặc gửi tiết kiệm, làm giảm dòng tiền chảy vào bất động sản.
Ông Nghĩa nhận định: “Việc tăng lãi suất có thể chỉ mang tính ngắn hạn, nhằm ổn định thanh khoản và kiểm soát tín dụng. Trong trung và dài hạn khi kinh tế phục hồi tốt, lãi suất có thể quay đầu giảm để tạo điều kiện cho bất động sản phát triển.”
Chuyên gia khuyến nghị người mua nhà "chỉ nên thận trọng chứ không bi quan"
Các chuyên gia đồng thuận cho rằng, thị trường bất động sản vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ các chính sách tài chính, cần có những bước đi thận trọng.
Như chuyên gia Hiếu đã khẳng định: “Chỉ nên thận trọng, chứ không bi quan.” Điều này cũng chính là thông điệp dành cho cả nhà đầu tư và người mua nhà trong thời điểm đầy biến động này.