Lãi vay mua nhà cho người trẻ: Cần chính sách dài hơi chứ không phải "liều thuốc giảm đau"

Cụ thể, BIDV hỗ trợ lãi vay mua nhà 5,5% một năm cố định trong 3 năm đầu. Các năm sau đó, khách hàng trả bằng lãi suất huy động vốn kỳ hạn 24 tháng thêm 3% (Hiện, lãi suất kỳ hạn 24 tháng của BIDV là 4,8%, tương ứng lãi vay mua nhà sau ưu đãi là khoảng 7,8%/năm).

Hay với VIB, nhà băng này có gói vay chỉ yêu cầu khách hàng trả 1 triệu đồng mỗi tháng cho 1 tỷ dư nợ. Khách vay tại ngân hàng này có thể lựa chọn các gói lãi suất cố định 5,9% trong 6 tháng, 6,9% trong 12 tháng hoặc 7,9% trong 24 tháng.

HDBank mở rộng ưu đãi với lãi suất chỉ từ 3,5% cho khách hàng 18 - 35 tuổi vay mua căn nhà, thời hạn vay lên đến 50 năm, ân hạn gốc tối đa 5 năm.

Điểm chung của những gói vay này đều có thời hạn vay dài từ 40 - 50 năm và ân hạn gốc kéo dài từ 5 - 7 năm. Tuy nhiên, áp lực tài chính dài hạn và những rủi ro tiềm ẩn sau ưu đãi vẫn khiến nhiều lao động trẻ vẫn còn e dè.

Người vay vẫn còn e dè với lãi vay mua nhà

Dưới góc nhìn là người dân có nhu cầu mua nhà, chị Cao Ly (29 tuổi, làm việc tại quận Thanh Xuân) cho rằng, các gói này không có gì quá mới mẻ và vẫn chưa thật sự hỗ trợ người đi vay.

Theo chị, lãi suất ưu đãi từ 3,5 - 6% nhưng chỉ áp dụng tối đa 1 năm là quá ngắn. Vay 3 tỷ đồng, thì mỗi tháng phải trả cả gốc và lãi trên dưới 20 triệu đồng, quá cao so với thu nhập. Thực tế gói ưu đãi này không khác mấy so với các chính sách trước giờ của ngân hàng dù mức lãi này đã thấp hơn rất nhiều so với ngày trước nhưng giá nhà ở cũng ghi nhận liên tục "phá đỉnh".

Cùng chung nỗi niềm, anh Lưu Duy (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: Dù lãi suất vay mua nhà giảm nhưng việc tiếp cận các gói vay ưu đãi này chưa có sự đột phá. Khách muốn vay vẫn cần có tài sản đảm bảo, chứng minh thu nhập, hợp đồng lao động,...

"Lãi suất sau ưu đãi tính ra vẫn cao mà thời gian ưu đãi còn ngắn, cùng với đó thủ tục lại không tinh giản so với các gói vay bình thường trước đây", anh Duy nói.

Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, giá nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM đã tăng mạnh trong nhiều năm qua. Hiện nay, giá bán thứ cấp căn hộ chung cư trung bình tại 2 đô thị đặc biệt đã đạt xấp xỉ mức 50 triệu đồng/m2. Nhờ động lực dẫn dắt từ thị trường sơ cấp với giá bán sơ cấp trung bình đạt trên 70 triệu đồng/m2, khi các dự án mở bán mới đều có mức giá trên 60 triệu đồng/m2.

Số lượng dự án mở bán mới có giá trên 100 triệu/m2 cũng tăng lên đáng kể trong khi các dự án có giá dưới 50 triệu gần như biến mất khỏi thị trường.

Lãi suất vay mua nhà hiện tại vẫn chỉ như "liều thuốc giảm đau" tạm thời...

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS nhìn nhận, trong bối cảnh thu nhập của người trẻ chưa cao và giá nhà không ngừng tăng, mức lãi suất này và thời gian ưu đãi ngắn thì đây vẫn là rào cản lớn.

Theo ông Đính, để người dân không bị gánh nặng tài chính đè nặng lên cuộc sống thì gói vay này rất phù hợp để mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang "khát" nhà ở xã hội, việc sở hữu 1 căn hộ này giống như 1 trò chơi "may rủi", khó như "leo cột mỡ".

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, nhận định mức lãi suất ưu đãi trong thời gian ngắn thực chất chỉ là "mồi nhử" mang tác dụng hô hào. Nếu ưu đãi vay trong thời gian ngắn sẽ không đủ sức kéo giảm áp lực tài chính trong suốt vòng đời khoản vay (trung bình 15 - 20 năm), nhất là ở bối cảnh giá nhà đang cao như hiện nay.

Thống kê của FiinRatings chỉ ra, tín dụng cho vay bất động sản tiêu dùng liên tục giảm các năm qua, từ 21,4% năm 2022, xuống còn khoảng 7,2% năm 2024. Cùng kỳ cho vay chủ đầu tư lại tăng từ 6,6% lên 28,5%, tín dụng tăng trưởng nhưng chỉ trong khối doanh nghiệp, người mua nhà chưa mạnh dạn đi vay. "Các chương trình ưu đãi vay của ngân hàng không đủ hấp dẫn để thu hút người mua nhà", Chuyên gia Fiin Ratings nhận định.

... Người trẻ cần một chính sách "dài hơi"

Dưới góc nhìn tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế chia sẻ, nếu lãi suất cao hơn 5% và thời gian cho vay dưới 20 năm thì với một gia đình ở Việt Nam rất khó có thể mua được nhà. Ngay cả với những gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng hay 30.000 tỷ đồng thì người mua cũng rất khó tiếp cận.

Nếu dựa vào các ngân hàng thương mại cho vay với thời gian dài sẽ đưa ngân hàng đến chỗ rủi ro về thanh khoản. Vì khoản tiền cho vay 20 năm trong khi khách hàng đến hạn đến rút tiền khoản gửi 12 tháng thì các ngân hàng lại phải "lục đục" chạy vào thị trường huy động vốn mới để trả cho vốn cũ với lãi suất cao, sẽ đẩy lãi suất của nền kinh tế lên ngày càng cao.

Do đó, vị chuyên gia kinh tế này đề xuất nguồn vốn có thể từ ngân sách quốc gia, bằng việc huy động trái phiếu Chính phủ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với thời gian từ 10 năm, 20 năm, 30 năm.