Làm sao xây dựng đủ 1 triệu căn nhà ở xã hội?
Như Dân Việt đã điểm tại bài "Phát triển nhà ở xã hội "còi cọc" vì những điểm nghẽn gì?" thì Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đã đi qua 40% chặng đường nhưng kết quả hiện tại chưa thực sự khả quan. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, 3 nút thắt chính của phát triển nhà ở xã hội là từ quỹ đất, pháp lý và nguồn vốn.
Bài toán nhà ở xã hội: Mục tiêu lớn, thách thức không nhỏ
Để không còn đi vào "lối mòn", hồi đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao các địa phương hoàn thành 100.275 căn nhà ở xã hội. Hà Nội được giao hoàn thành 4.670 căn, TP. HCM được giao 2.874 căn, TP. Hải Phòng được giao 10.158 căn, TP. Đà Nẵng được giao 1.500 căn…
Thủ tướng giao chỉ tiêu số căn hộ các địa phương phải hoàn thành giai đoạn 2025 - 2030 là 995.445 căn hộ.
Với từng địa phương, từ nay đến năm 2030, Hà Nội phải hoàn thành 56.200 căn hộ; TP. HCM phải hoàn thành 69.700 căn hộ; TP. Hải Phòng phải hoàn thành 33.500 căn hộ; TP. Đà Nẵng phải hoàn thành 12.800 căn hộ...
Để hiện thực hóa con số này, nhiều chuyên gia đã đề nghị cần một loạt giải pháp đồng bộ, từ cơ chế chính sách đến nguồn vốn, quỹ đất, thủ tục hành chính, địa điểm, người thụ hưởng,...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đề xuất, trước tiên cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ về mặt chính sách. Chính phủ cần tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng hơn, đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian cấp phép dự án.
Đồng quan điểm, mới đây, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị thay đổi phương án lựa chọn nhà đầu tư làm dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu.
Ngoài ra, HoREA cũng đề xuất tạo cơ chế "một cửa" chuyên biệt dành cho các dự án nhà ở xã hội có thể được thiết lập để giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chính sách ưu đãi, đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong quá trình triển khai.
Giải quyết bài toán quỹ đất cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Các địa phương cần rà soát và bố trí quỹ đất công phù hợp để phát triển nhà ở xã hội. Theo ông Châu, mô hình "nhà ở xã hội tập trung" thay vì phân bổ nhỏ lẻ trong các khu đô thị lớn cũng có thể là một hướng đi phù hợp, vừa giúp tối ưu chi phí, vừa tạo điều kiện để xây dựng các khu nhà ở có tiện ích đồng bộ.
Bên cạnh đó, nguồn vốn là yếu tố then chốt để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ có thể hỗ trợ lãi suất vay dành riêng cho các chủ đầu tư, đồng thời mở rộng các gói tín dụng ưu đãi dành cho người mua nhà với lãi suất thấp từ 4 - 5%/năm với thời gian khoảng 15 - 20 năm để giúp người dân "mặn mà" hơn với giấc mơ an cư.
Thậm chí, Bộ Xây dựng đã đề xuất hình thành Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia, từ đó sẽ tạo lập quỹ nhà ở xã hội, quản lý quỹ nhà ở xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng, đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội theo điều kiện. Nhiều chuyên gia đánh giá, Quỹ Nhà ở quốc gia hứa hẹn mở ra "cánh cửa" mới giúp những người có thu nhập trung bình, thấp gia tăng cơ hội tạo lập chốn an cư.
Ngoài việc tập trung vào chính sách và tài chính, ứng dụng công nghệ vào phát triển nhà ở xã hội cũng là một hướng đi quan trọng. Các mô hình nhà lắp ghép, nhà thông minh có thể giúp giảm đáng kể chi phí xây dựng mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình.
Chẳng hạn như, trong buổi Hội nghị về nhà ở xã hội do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, đại diện Công ty CP địa ốc Kim Oanh đã đề xuất việc Việt Nam có thể áp dụng mô hình nhà bê tông lắp ghép: Thi công nhanh, tiết kiệm chi phí, bền vững 50 năm, phù hợp địa chất yếu.
Kiến trúc sư Trần Vũ Lâm, Chủ tịch Công ty CP Kiến trúc Lập Phương góp ý, cần sử dụng các cấu kiện tiêu chuẩn hóa và mô đun hóa để tối ưu chi phí vận chuyển và lắp đặt. Trong thiết kế dự án nhà ở xã hội, cần tránh sự phức tạp và nhiều góc cạnh, vì điều này sẽ làm tăng chi phí thi công. Các dự án nhà ở xã hội ở Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản thường có thiết kế đơn giản và điển hình hóa, giúp tiết kiệm chi phí.
Ngoài những đề xuất trên, mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất nâng mức lợi nhuận cho các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội từ 10% lên mức 13% trên tổng chi phí xây dựng dự án. Các chủ đầu tư sẽ căn cứ mức lợi nhuận này để xây biểu giá bán, giá thuê mua và thuê nhà ở xã hội.