Lấn biển được xem là quy luật tất yếu của những quốc gia ven biển

Lấn biển được xem là quy luật tất yếu của những quốc gia ven biển - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Khai thác hiệu quả không gian biển – kho báu của các quốc gia

Thưa ông, trên thế giới, để tận dụng không gian biển, nhiều nước đã phát triển các dự án đảo nhân tạo quy mô lớn, đô thị "nổi trên biển" gắn với cảng biển, sân bay... Ông có thể chia sẻ thêm về cách làm của họ?

Trên thế giới đã có nhiều quốc gia lấn biển. Nói về lịch sử lấn biển, cái tên đầu tiên cần được nhắc đến chính là Hà Lan. Diện tích Hà Lan rất nhỏ (gần 42.000 km 2 ) và dân số khoảng 17,4 triệu người. Nhưng khoảng 26% diện tích lãnh thổ của Hà Lan ở thấp hơn mực nước biển và 21% dân số Hà Lan hiện đang sinh sống trong những vùng đất “ở dưới mặt biển”. Cho nên đất là một tài sản vô cùng quý giá.

Hiện nay, phần lớn diện tích đất ở Hà Lan hiện nay đều là vùng đất lấn biển. Kỳ tích lấn biển ở Hà Lan là Volendam, một thị trấn nằm bên bờ Biển Bắc, nơi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhờ vào các tuyến đê biển và những giá trị văn hóa, lịch sử mà 22 nghìn cư dân nơi đây còn bảo lưu được.

Một quốc gia khác cũng có thể coi là tấm gương để chúng ta học hỏi, đó là Singapore. Trong những năm qua, Singapore đã mở mang lãnh thổ bằng đất lấy từ những ngọn đồi, đáy biển và những nước lân cận. Nhờ đó, diện tích đất của Singapore đã tăng từ 581,5 km 2 ở thập niên 1960 lên 697,25 km 2 ngày nay và có thể sẽ tăng thêm 100 km 2 nữa đến năm 2030.

Tại Nhật Bản, sân bay Kansai (Nhật Bản) được xây dựng ngoài biển. Trên thực tế, Nhật Bản cũng không thiếu diện tích đất liền đến mức phải đưa sân bay ra biển. Đây chỉ là trình diện kỹ thuật của quốc gia, hoặc vì mục đích về an ninh quốc phòng, có nhiều quốc gia lấn biển tạo vị thế của mình.

Chính vì thế, có thể nói rằng lấn biển không chỉ mở rộng đất đai, nơi cư trú cho người dân trong đô thị đang thiếu. Lấn biển cũng có khi là hình thức để trình diễn một công nghệ nào đó. Vì thế, có thể nhận xét rằng, lấn biển cũng không chỉ có riêng ở quốc gia nào, lấn biển còn được xem là quy luật tất yếu của những quốc gia ven biển.

Việt Nam là một quốc gia ven biển phần diện tích biển nước ta rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền. Ô ng nhận định như thế nào về triển vọng của kinh tế Việt Nam nếu chúng ta có thể khai thác mạnh mẽ không gian biển?

Việt Nam có tổng chiều dài bờ biển khoảng 3.260 km, phần diện tích biển nước ta chiếm 29% diện tích Biển Đông, rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền. Vùng biển nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ; hơn 50% số dân sống ở các tỉnh ven biển…

Chính vì vậy, đô thị biển chiếm một vị trí rất quan trọng trong chiến lược khai thác thế mạnh kinh tế biển Việt Nam. Hệ thống đô thị biển của Việt Nam chủ yếu tập trung dọc vùng duyên hải từ Bắc vào Nam, trên cơ sở các tiểu vùng duyên hải cơ bản là vùng duyên hải Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ.

Các tiểu vùng duyên hải này đóng vai trò là cửa ngõ hướng biển của các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, nối các hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây ra với biển, tạo nên thế và lực trong phát triển kinh tế , xã hội của từng vùng và trong phạm vi cả nước. Đây cũng chính là một trong những đặc điểm cơ bản của hệ thống đô thị biển của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Vì vậy, có thể nhận xét, kinh tế biển luôn luôn là một trong những lĩnh vực trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam không chỉ hiện tại mà còn trong tương lai lâu dài.

Muốn lấn biển thành công phải “chọn mặt gửi vàng” nhà đầu tư

Vừa qua đã có quy định pháp luật cụ thể về hoạt động lấn biển, mở đường cho việc phát triển không gian biển. Nhiều địa phương cũng đang kỳ vọng từ các chủ trương, chính sách này có thể mở thêm quỹ đất, dư địa phát triển kinh tế biển. Xin ông chia sẻ về một điển hình lấn biển tại Việt Nam để phát huy lợi thế nguồn tài nguyên này?

Chúng ta biết rằng cho đến nay, Quảng Ninh có hơn 40 dự án đô thị lấn biển và nhiều dự án thành công, thậm chí thành công xuất sắc không chỉ đối với lợi ích của địa phương mà còn là lợi ích quốc gia.

Thử hỏi, nếu không có những dự án này, Quảng Ninh vẫn “bảo tồn” như xưa, vẫn Bãi Cháy với kiến trúc nhà cấp 4 là chủ yếu, vẫn đường phố Hạ Long, rồi Cọc 6 lem luốc, đen nhẻm, vẫn những bãi biển lầy lội, xơ xác… thì liệu Vịnh Hạ Long có hấp dẫn như bây giờ để cho năm 2022, riêng tỉnh Quảng Ninh đón gần 12 triệu lượt khách du lịch và chỉ đến giữa tháng 11/2023, con số này đã lên tới trên 14 triệu lượt?

Những dự án thành công ở Quảng Ninh hầu hết đều do tỉnh chọn được những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, không chỉ về tài chính mà còn về tầm nhìn, về năng lực quản trị dự án , về khả năng liên kết chuỗi giá trị… Chẳng hạn như Tập đoàn Vingroup, Sun Group, Tuần Châu…

Để hướng đến mục tiêu trở thành cường quốc về biển vào năm 2045, phát huy lợi thế biển đảo, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc quy hoạch không gian biển phục vụ phát triển du lịch, đô thị biển cần được triển khai như thế nào, thưa ông?

Việt Nam có lợi thế có trên 3.260 km đường bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, và 28 tỉnh thành có các đô thị ven biển đều có nhu cầu phát triển và lấn biển.

Điều quan trọng là việc lấn biển phải phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia, chẳng hạn như liên quan đến quy hoạch không gian biển quốc gia (loại hình mới theo Luật quy hoạch hiện hành), của mỗi đô thị, sau đó mới đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và liên quan đến các quy hoạch khác.

Như vậy sự phối kết hợp với các quy hoạch cụ thể ở các tỉnh, thành có biển phải có sự đồng bộ như thế nào. Tất cả đều phải xuất phát từ nền tảng tư duy, hoạch định chính sách, quy hoạch tổng thể, rồi triển khai thực hiện… đều phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển của quốc gia.

Tại Việt Nam, dự án lấn biển chưa nhiều và vẫn vấp phải ý kiến trái chiều. Theo ông, cần chú ý đến điều gì (về công nghệ, về kĩ thuật…) để đảm bảo mục tiêu xây dựng đô thị, phát triển kinh tế mà vẫn hài hòa cảnh quan thiên nhiên, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường?

Với tri thức của con người hiện nay, với những công nghệ hiện đại thì những tác động xấu của hoạt động lấn biển đã và đang được khắc phục tối đa. Chẳng hạn, khi thi công sân bay Kansai Nhật Bản, người ta đã đào hơn 1 triệu giếng cát xuống lớp bồi tích, nhằm ổn định đáy biển cho đủ vững chãi để nâng đỡ hòn đảo nhân tạo.

Tiếp đó, một bức tường bê tông dài 11 km được hoàn thành trong vòng 3 năm, bao quanh khoảng đất xây sân bay tựa như thành của bể bơi, ngăn nước biển tràn vào. 48 nghìn khối bê tông, mỗi khối nặng 200 tấn, được xếp xuống nền móng. 180 triệu m 3 đất lấy từ ba ngọn núi được đổ đầy vào khoảng trống bên trong bức tường cao tới 30 m…

Những con số khổng lồ ấy cùng một lúc đổ xuống biển cho thấy, Nhật Bản phải có một năng lực công nghệ như thế nào thì họ mới dám thực hiện một công trình lấn biển lớn như vậy. Và đồng thời chúng ta có thể thấy họ phải chịu áp lực của dư luận như thế nào mới dám có những quyết định dời non lấp biển đến như vậy. Ở đấy cần có một cuộc cách mạng về tư duy, về công nghệ, về cân nhắc lợi ích quốc gia… và họ đã thành công.

Hoặc như quốc gia điển hình được báo chí nhắc đến nhiều, đó là ở Dubai với dự án Palm Jumeirah (dự án hình cây cọ); hay Nhà hát Opera Sydney (hình con sò) sau khi xây xong đã trở thành công trình nổi tiếng của Australia và sau này là công trình thuộc loại sớm nhất về kiến trúc khi chưa đầy 50 năm đã trở thành di sản văn hóa của thế giới.

Xin cảm ơn ông!