Liệu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới có khả thi?
Điểm lại gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau hơn một năm triển khai, gói tín dụng này mới chỉ giải ngân được gần 1%, tức khoảng 1.344 tỷ đồng. Trong số này 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án và còn lại là cho người mua nhà.
Nguồn vốn cho gói tín dụng 120.000 tỷ là từ 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank). Hiện nay có thêm 4 ngân hàng tư nhân là TPBank, VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng (nâng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất lên 140.000 tỷ đồng).
Theo ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, gói 120.000 tỷ đồng này có thời gian ưu đãi khá ngắn cho cả người mua và chủ đầu tư nên không hấp dẫn.
Chính vì vậy, ông Dũng chia sẻ: Nhằm đảm bảo tính ổn định và phát huy hết khả năng của gói tín dụng thì gói 30.000 tỷ đồng sắp tới đây sẽ mang tinh thần "tất cả cùng phát triển", "không ai bị bỏ lại phía sau".
Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu cho người dân vay mua nhà ở xã hội
Gói 30.000 tỷ đồng này có 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu và 15.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ người thu nhập thấp, công nhân mua nhà ở xã hội. Qua đó giúp người thu nhập thấp có thể tiếp cận được vốn rẻ để mua nhà.
Cũng theo ông Dũng, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng phải được triển khai phù hợp với pháp luật khác, Bộ Xây dựng đang làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để sớm triển khai gói tín dụng này.
Cùng quan điểm này, thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh: "Hồn cốt của chính sách phát triển nhà ở xã hội là miễn tiền sử dụng đất và tín dụng ưu đãi. Tín dụng ưu đãi vừa hỗ trợ chủ đầu tư xây nhà, lại giúp người thu nhập thấp tiếp cận vốn vay giá rẻ để mua nhà".