Lô đất được trả giá 30 tỷ đồng/m2 ở huyện Sóc Sơn sắp đấu giá lại
Như Dân Việt đã đưa tin, hơn 100 lô đất tại các huyện Phúc Thọ, Thanh Oai, Sóc Sơn,... bắt đầu lên sàn đấu giá đất từ cuối tháng 2/2025. Đáng chú ý, trong những lô đất này có sự quay trở lại của 36 thửa tại huyện Sóc Sơn. Đây là những lô đất liên quan đến vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Ngay khi có thông tin về nhóm đối tượng phá bĩnh đấu giá đất, Công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo PC03 phối hợp các bên liên quan điều tra hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của nhóm người này. Cơ quan Công an TP đã ra quyết định tạm giữ đối với 5 đối tượng: Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân.
Hiện, vụ án vẫn đang trong quá trình củng cố tài liệu và điều tra.
Không chỉ ở huyện Sóc Sơn mà 54 thửa đất tại huyện Thanh Oai cũng sẵn sàng khí thế đấu giá đất. Đây là những lô đất đã từng gây xôn xao dư luận khi có giá trúng hơn 100 triệu đồng/m2 vào ngày 10/8/2024. Thời điểm đó, giá đất ở trung bình tại khu vực này khoảng 40 - 60 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, theo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, những lô có giá trúng từ 80 - 100 triệu đồng/m2 đều đã bỏ cọc.
Các vụ việc trên không chỉ gây ra sự bức xúc trong cộng đồng mà còn đặt ra câu hỏi về việc thiếu minh bạch và quản lý lỏng lẻo trong các cuộc đấu giá.
Trao đổi với Dân Việt, đại diện Công ty đấu giá hợp danh Thanh Xuân (đơn vị tổ chức đấu giá đất tại huyện Sóc Sơn) cho biết: Khác với phiên đấu giá trước đây yêu cầu tối thiểu 6 vòng với bước giá 3 triệu đồng/m2 phiên đấu giá mới sẽ áp dụng hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp trong một vòng duy nhất, với bước giá 100.000 đồng/m2.
Ví dụ: Thửa đất đấu giá tại huyện Sóc Sơn có diện tích 90 m2 và giá khởi điểm là 9,1 triệu đồng. Như vậy, thửa đất này có giá ban đầu là 819 triệu đồng. Mỗi bước giá sẽ tăng tối thiểu 9 triệu đồng (100.000 đồng x 90 m2). Người tham gia đấu giá có thể trả giá liền vài bước giá (không tối thiểu số bước giá). Sau khi trả giá, đơn vị tổ chức đấu giá sẽ thực hiện kiểm phiếu và công bố kết quả cao nhất.
Theo đại diện đơn vị này, quy chế mới tránh việc lợi dụng thông đồng để nâng hoặc dìm giá, tạo "sân chơi" công bằng cho tất cả người tham gia.
Không chỉ tại Sóc Sơn, Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cũng thay đổi quy chế đấu giá tại huyện Thanh Oai trong phiên sắp tới. Đơn vị này cho biết, phiên đấu giá cũng sẽ được tổ chức theo hình thức đấu giá một vòng duy nhất.
Ngoài ra, đại diện đấu giá Lạc Việt cũng cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ cố gắng đưa ra thêm tiêu chuẩn để sàng lọc khách hàng có nhu cầu sử dụng với người đầu cơ, đưa ra quy định chứng minh năng lực tài chính sao cho phù hợp, đúng pháp luật.
Trước khi đồng loạt thay đổi quy chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ban hành công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Công an yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Thủ tướng cũng lưu ý về quy định rút ngắn thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, xác định mức tiền phải nộp lần đầu phù hợp để hạn chế tình trạng bỏ cọc; chỉ đạo đơn vị được giao tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản lựa chọn hình thức, phương thức đấu giá phù hợp để hạn chế hành vi thông đồng, dìm giá hoặc thổi giá.
Ngoài ra, cần căn cứ vào quy định hiện hành, có biện pháp phù hợp để quản lý chặt chẽ thông tin về lịch sử tham gia đấu giá và dòng tiền trong tài khoản thanh toán của người trúng đấu giá. Đặc biệt, cần quan tâm đến các trường hợp có biểu hiện bất thường trong đấu giá như: một người hoặc nhóm người đăng ký đấu giá nhiều thửa đất trong cùng một khu đất đấu giá, người tham gia đấu giá bỏ giá cao bất thường hoặc trúng giá cao nhưng bỏ cọc…
Trong diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói 2" do Báo Nông thôn Ngày Nay/Dân Việt tổ chức cuối năm 2024, ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhấn mạnh: Để khắc phục tất cả các bất cập trong đấu giá đất, ngăn tình trạng "thổi" giá trục lợi, các địa phương cần công khai minh bạch về kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị.
Chuyên gia cho rằng vẫn còn "kẽ hở" đấu giá đất, làm sao để "bịt"?
Tuy nhiên, ngoài thay đổi quy chế các vòng đấu giá thì những quy định khác như thời gian nộp cọc, tiến độ sử dụng đất, thời gian chuyển nhượng đất,... không có gì thay đổi dù đã được Thủ tướng lưu ý. Trên góc nhìn của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, ông cho rằng đây vẫn là "kẽ hở" lớn trong đấu giá đất.
Ông Hiếu đề xuất cần khẩn trương thực hiện rút ngắn thời gian nộp tiền, hạn chế chuyển nhượng,... để đưa đấu giá đất sẽ phát huy được tối đa ưu điểm. Ngoài ra, sau khi đấu giá thành công, cần có quy định về việc khách hàng cam kết đưa đất vào khai thác, sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, các địa phương cần thuê cơ quan chuyên môn xác định giá kỹ lưỡng. Khi đó, ai có nhu cầu thật sẽ tham gia đấu giá.
"Hiện, mức tiền cọc chỉ là 20% giá trị thửa đất theo giá khởi điểm, dù mức giá khởi điểm đã thay đổi nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều giá thị trường. Tiền cọc quá thấp nên khách hàng không ngần ngại bỏ cọc", ông Đính nhấn mạnh.