Loạt dự án đứng hình, lo giấc mơ có nhà của người nghèo càng khó với
Thị trường địa ốc vẫn còn “tù mù”?
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ nút thắt thị trường địa ốc hiện nay.
Theo Chủ tịch HoREA, hiện nay môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa minh bạch, chưa công bằng, vẫn còn “tù mù”, vẫn còn dấu hiệu “nhóm lợi ích”, hoặc kiểu “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.
Vị này đặt vấn đề, cùng mặt bằng pháp lý như nhau, tại sao các dự án nhà ở tại TP.HCM lại bị vướng, nhưng tại các địa phương khác thì không bị vướng?
Bên cạnh đó theo ông Châu, các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen kẹt đất nhà nước quản lý) như nhau, nhưng tại sao lại có một số dự án, thậm chí là đại dự án, được phê duyệt đầu tư xây dựng rất nhanh, trong khi nhiều dự án khác lại bị “đứng hình”?!
Lý giải cho những vấn đề nêu trên, ông Châu cho rằng do hệ thống pháp luật chưa thật đảm bảo tính hệ thống; quy trình, thủ tục hành chính nhìn chung vẫn còn rườm rà, bất cập; trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế; tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục...
Theo đó, lãnh đạo HoREA đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản, để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại, tạo điều kiện cho người dân có nhà ở.
Thống kê của HoREA cho biết, 2 năm qua, thị trường bất động sản TP.HCM đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án, thậm chí có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.
“Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo HoREA, năm 2019, nguồn cung dự án nhà ở (mới) tiếp tục bị sụt giảm sâu, tương tự như năm 2018. Tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng đem lại lợi nhuận lớn cho các chủ đầu tư có dự án, nhưng lại làm cho khách hàng bị thiệt vì phải mua nhà giá cao hơn.
Giấc mơ có nhà người thu nhập thấp càng khó với
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường bất động sản hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng.
Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay theo vị này, chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có "độ trễ", nếu Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương không có biện pháp xử lý sớm các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Điều này theo ông Châu, làm cho “giấc mơ tạo lập nhà ở ngày càng xa vời” đối với đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, nhất là giới trẻ mới lập gia đình.
Do vậy, lãnh đạo Hiệp hội HoREA đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để sửa đổi các Nghị định 43; Nghị định 44; Nghị định 47; Nghị định 104...
Hiệp hội này cũng đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có).
Đồng thời, quan tâm giải quyết để ổn định trạng thái tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám đề xuất giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp của một số cán bộ công chức thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản, do có xuất hiện yếu tố “rủi ro” trong thi hành công vụ.
Nguyễn Mạnh