Lừa đảo bất động sản, trách nhiệm của môi giới ở đâu?
Một dự án muốn đến tay của nhà đầu tư nhanh thì buộc phải có sự trợ giúp của lực lượng môi giới. Trong nhiều năm qua, nhiều công ty bất động sản được thành lập kéo theo nhu cầu tuyển dụng lực lượng môi giới đông đảo.
Thế nhưng, không ít nhân viên môi giới chỉ vì muốn bán được hàng mà đã bất chấp, rồi tư vấn cho khách hàng mua những dự án có rủi ro về pháp lý. Từ đó, dẫn đến khách hàng phải lao vào cuộc chiến đi đòi tiền.
Đặc biệt, trong thời gian qua, khi các cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ nhiều lãnh đạo công ty địa ốc vì đã lập dự án “ma”, chưa đủ điều kiện pháp lý để bán cho khách hàng, chiếm dụng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, trách nhiệm của các môi giới ở những dự án này vẫn chưa được nhắc đến.
Điển hình, phải kể đến vụ việc của Công ty địa ốc Alibaba. Trong giai đoạn “ăn nên làm ra” của thị trường địa ốc, Alibaba nổi lên là một trong những công ty bán đất nền vùng ven Sài Gòn với giá rẻ và cam kết lợi nhuận lên đến 28%/năm. Khách hàng chỉ cần đặt cọc, ra công chứng giấy tờ và đợi tới vài tháng là có lãi vài chục %.
Vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hùng (26 tuổi), Tổng giám đốc và Hoàng Anh Vui (26 tuổi), Giám đốc pháp lý của Công ty Bình Dương City Land (P.Hoà Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bình Dương City Land đã lập ra nhiều dự án “ma” mang tên khu dân cư Happy Home (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) và khu nhà ở Phúc Long 1, Phúc Long 2, khu dân cư Green City, khu dân cư Green City 2… (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).
Việc hàng ngàn khách hàng của địa ốc Alibaba hay Bình Dương City Land, ngoài hành vi lừa đảo mà các lãnh đạo đã bị cơ quan chức năng "sờ gáy", trách nhiệm liên đới, đạo đức tư vấn kinh doanh của các sale cũng là một dấu hỏi.
Trách nhiệm môi giới ở đâu…?
Ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc VietHome cho rằng, thực tế hiện nay, khi xét xử các vụ án liên quan đến bất động sản, chỉ xử lý đến chủ đầu tư, chứ những người tham gia, dẫn dắt khách hàng là người môi giới thì chưa có chế tài.
"Cần phải có chế tài với hành vi của nhà môi giới. Những trường hợp môi giới đưa khách hàng vào các dự án “ma” kiểu lừa đi mua đất ở Quận 9, TPHCM nhưng lên xe chở xuống tận Đồng Nai xem đất nông nghiệp rồi ép đặt cọc... cần xử lý", ông Đào nói.
Luật sư Lê Thị Bích Hằng cho biết, theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Bản thân môi giới là người chủ động trong các giao dịch liên quan đến bất động sản.
Nhân viên môi giới có trách nhiệm kết nối người mua và bên mua, kèm theo đó là nhiều bước khác nhau cho đến khi giao dịch thành công. Về mặt pháp lý, các vụ tranh chấp bất động sản thường thuộc nhiệm vụ của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp tranh chấp do việc “môi giới một đằng, sản phẩm một nẻo” thì người mua bất động sản hoàn toàn có quyền yêu cầu bên môi giới bồi thường thiệt hại.
Bà Bùi Như Thảo, chuyên gia đánh giá dự án bất động sản cho rằng, hiện nay hoạt động mua giới tốt hay xấu còn phải phụ thuộc vào cái tâm của người làm nghề. Nếu khách hàng gặp được một môi giới có tâm và đạo đức thì việc mua phải dự án “ma” là rất khó.
“Hiện có không ít bạn trẻ muốn chạy nhanh để kiếm “hoa hồng” nên tư vấn bất chấp. Do đó, khách hàng nên tìm đến những công ty môi giới lớn khi có nhu cầu. Bởi vì các công ty này sẽ kiểm định chất lượng, pháp lý dự án rất kỹ trước khi nhận bán, nên người mua sẽ giảm được rất nhiều rủi ro”, bà Thảo nói.
Quế Sơn