Mới bị gọi tên vì nợ thuế tới 730 tỷ đồng, Handico đang kinh doanh ra sao?
Handico từng bị "xướng tên" trong danh sách nợ thuế của Bộ Tài chính
Mới đây, tháng 5/2024 vừa qua, Bộ Tài chính báo cáo có 19 đơn vị ngành nghề kinh doanh bất động sản bị kiến nghị xử lý tài chính. Trong đó, "ông lớn" làng bất động sản Handico có nợ hơn 731,8 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu Handico (tên đầy đủ là Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) được thành lập vào tháng 9/1999. Đây là tổng công ty đầu tiên hoạt động theo mô hình Tổng công ty 90 của TP. Hà Nội. Từ 17 đơn vị thành viên trực thuộc khi mới thành lập, đến nay, Handico đã có 38 công ty thành viên với hàng nghìn cán bộ công nhân viên làm việc trên 60 đầu mối trực thuộc.
Giới thiệu trên website, Handico hiện có vốn điều lệ 1.900 tỷ đồng, do ông Phạm Tiến Đức (sinh năm 1985) giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Trương Hải Long, (sinh năm 1971) giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Vậy, nợ thuế tới hơn 700 tỷ đồng thì Handico đang kinh doanh ra sao?
Trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024, Handico ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 208,1 tỷ đồng, tăng gần 6% so với nửa đầu năm 2023. Lợi nhuận gộp tăng 11,4% lên hơn 137,5 tỷ đồng kéo theo biên lợi nhuận gộp của Handico được cải thiện từ 62,3% lên 66,1%.
Trong kỳ, chi phí tài chính giảm 14% xuống còn hơn 1,2 tỷ đồng nhưng trong đó chi phí lãi vay lại ghi nhận có tới hơn 1,4 tỷ đồng (không thay đổi so với nửa đầu năm trước), tuy nhiên khoản mục này không được doanh nghiệp thuyết minh chi tiết.
Chi phí bán hàng gần như đi ngang ở mức hơn 11 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng tới 119%, từ 90 tỷ lên tới hơn 197,1 tỷ đồng.
Cuối cùng, doanh nghiệp báo lãi trước và sau thuế đạt 185,8 tỷ đồng và 174,1 tỷ đồng, đều giảm hơn 18% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Được biết, trong năm 2024, Handico lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu dự kiến đạt 620 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 218 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, doanh nghiệp đã thực hiện hơn 33% kế hoạch doanh thu và gần 80% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nhìn lại giai đoạn 2020 đến nay, Handico ghi nhận doanh thu liên tục trồi sụt. Chẳng hạn như năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt tới 1.506 tỷ đồng nhưng vào năm 2021, 2022 thì bất ngờ giảm xuống còn 776,3 tỷ đồng và 546,7 tỷ đồng. Tới năm 2023, doanh thu trở lại mức nghìn tỷ với hơn 1.066 tỷ đồng.
Ngược với biến động "nhảy múa" của doanh thu thì Handico ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức ổn định hơn. Vào năm 2020, doanh nghiệp đạt hơn 332 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và liên tục tăng trưởng tới 424 tỷ đồng vào năm 2023. Chỉ duy nhất năm 2021, lợi nhuận sau thuế có phần "kém sắc" khi chỉ đạt hơn 244 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024, tổng tài sản của Handico có hơn 8.599 tỷ đồng, giảm hơn 187,7 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, Công ty có gần 1.600 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền (chiếm hơn 18% tổng tài sản).
Hàng tồn kho có hơn 614 tỷ đồng, tăng 5,8% so với hồi đầu năm. Thuyết minh báo cáo tài chính công ty cho biết, chiếm phần lớn hàng tồn kho là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với hơn 613,9 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Handico tính đến cuối tháng 6/2024 có hơn 4.153 tỷ đồng, tăng 3,9% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn có hơn 2.481 tỷ đồng (chiếm gần 60% tổng nợ phải trả) và nợ dài hạn có hơn 1.672 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ vay tài chính chỉ có hơn 10,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu nợ.
Handico có hơn 4.445 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 0,93.
Nhìn cả giai đoạn 2020 đến nay, Handico luôn duy trì tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu dưới 1. Điều này cho thấy đây là một doanh nghiệp khá "khoẻ mạnh" và có tiềm năng tăng trưởng tốt.