Một chính sách 'cứu' ngàn dự án

Vừa đăng ký, vừa xếp hàng

Cụ thể, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 171/2024/QH15 của Quốc hội, các doanh nghiệp (DN) được phép mua đất nông nghiệp, các loại đất khác hoặc đang có các loại đất khác không phải là đất ở nhưng phù hợp với quy hoạch sẽ được đưa vào danh sách thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại (NOTM). Tại TP.HCM, theo thống kê đã có 343 khu đất của hơn 300 DN, với tổng diện tích đất lên đến gần 2.000 ha, đăng ký theo chương trình này.

Một chính sách 'cứu' ngàn dự án - Ảnh 1

Với nghị quyết thí điểm lần này, hàng trăm dự án không có đất ở sẽ được tháo gỡ

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết đã gửi đăng ký 10 dự án đã bị "trùm mền" từ 3 năm trở lên vào danh sách lần này. "Nhìn chung lần này khả quan hơn, có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên khả năng thực hiện đến đâu thì còn phụ thuộc vào ý chí của cơ quan nhà nước. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng, trên 70% các dự án công ty đề xuất lần này sẽ được tháo gỡ", vị này nói.

Công ty TLR có dự án ở TP.Thủ Đức đã "trùm mền" gần 5 năm nay do đây là đất thương mại dịch vụ được chuyển đổi từ đất kho xưởng di dời. Theo quy định của luật Đất đai, dự án phải có đất ở hoặc có dính một ít đất ở mới được cho làm NOTM nên dự án bất động suốt nhiều năm qua. "Khi nghị quyết thí điểm của Quốc hội được ban hành, chúng tôi đi đăng ký ngay với Sở TN-MT nhưng hiện vẫn chưa được, vẫn còn xếp hàng chờ. Dù chưa biết kết quả ra sao, nhưng đây là hướng mở, "ánh sáng cuối đường hầm" cho các DN có dự án bị trùm mền nhiều năm như dự án của TLR", lãnh đạo công ty chia sẻ.

Công ty SCR cũng cho hay đã đăng ký một số dự án của công ty vào đề án. Nếu được duyệt, dự án sẽ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo. Bởi trước đây nếu không có đất ở, xem như không làm được gì vì tắc ngay khâu đầu tiên là chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận chủ đầu tư. Nên khi có nghị quyết thí điểm của Quốc hội thì những dự án đã có đất sạch nhưng không đáp ứng được quy định trong luật Đất đai 2024 nên giờ cho thí điểm là làm được ngay, dễ làm nhất. Như Nghị quyết 170/2024 của Quốc hội đã nêu cụ thể tên 64 dự án ở TP.HCM, TP.Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Tất cả các dự án này ngay sau đó các bước tiếp theo làm rất nhanh.

Trao đổi với PV Thanh Niên, các DN khác cũng cho biết ngay khi Nghị quyết 170 của Quốc hội có hiệu lực, họ đã gửi đăng ký đến Sở TN-MT TP.HCM. Sở cũng liên tục có công văn khẩn nhắc các DN có dự án ở diện này đăng ký để không bị lọt ra ngoài danh sách. Nhận định chung của các chuyên gia bất động sản (BĐS) thì với dự án DN đã có quyền sử dụng đất, thủ tục sẽ rất nhanh, tính khả thi rất cao. Ngay khi được cho phép họ sẽ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch 1/500, thủ tục giao đất, thẩm định thiết kế cơ sở và xin phép xây dựng. Đối với những dự án đã có sẵn quỹ đất nhưng DN muốn mở rộng, mua thêm cũng tương tự. Riêng những DN hiện mới bắt đầu đi mua đất sẽ gặp một chút rủi ro bởi nghị quyết chỉ thí điểm trong vòng 5 năm, trong khi việc đi thương lượng mua đất hiện nay vô cùng gian nan. Vì vậy cần cân nhắc kỹ để tránh rơi vào tình trạng mua xong đất thì quy định cũng hết hiệu lực.

Thị trường sẽ có thêm 650.000 căn nhà

Là người theo sát và hết sức tâm huyết với chính sách này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), phân tích TP.HCM thường chiếm khoảng 25 - 30% dự án trên cả nước, nên tính tất cả các tỉnh thành, có thể có khoảng 900 dự án , quy mô sử dụng đất khoảng 5.000 ha sẽ được Nghị quyết 171 tháo gỡ trong 5 năm tới. "Với 343 dự án NOTM đăng ký thực hiện dự án thí điểm tại TP.HCM với quy mô 2.000 ha, nếu bình quân mỗi dự án có 630 căn nhà thì sẽ có thêm 216.000 căn nhà cung ứng cho thị trường BĐS trong 3 - 10 năm tới. Đồng thời trong các dự án còn có các diện tích kinh doanh thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, thể thao, vui chơi giải trí, giao thông, công viên cây xanh... 

Nếu giả định đầu tư bình quân 1.000 tỉ đồng/ha thì tổng giá trị đầu tư lên đến khoảng gần 2 triệu tỉ đồng. Nguồn vốn khổng lồ này sẽ tác động lan tỏa đến hơn 35 ngành kinh tế, từ sản xuất cung ứng vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội, ngoại thất, thi công xây lắp, tư vấn thiết kế cho đến hoạt động tín dụng, thương mại, dịch vụ. Tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước và khắc phục được tình trạng lãng phí đất đai", ông Châu tính toán.

Nhìn rộng ra khoảng 900 dự án NOTM đăng ký thực hiện dự án thí điểm, với quy mô sử dụng đất vào khoảng 5.000 ha, sẽ có thêm khoảng 650.000 căn nhà cung ứng cho thị trường BĐS. Nguồn lực này sẽ tạo ra tác động lớn hơn gấp 3 lần quy mô các dự án TP.HCM, có thể thu hút lượng vốn đầu tư lên đến khoảng 5 triệu tỉ đồng, tạo ra tác động lan tỏa đến cả nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và từ năm 2026 trở đi thì tăng trưởng GDP phải đạt 2 con số từ 10% trở lên.

PGS-TS Huỳnh Quang Phú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhận xét hiện nay tại TP.HCM phần lớn các dự án BĐS phát triển mới, quy mô lớn đều được triển khai trên quỹ đất ban đầu không phải là đất ở. Quy định không có đất ở không được làm dự án đã kìm hãm sự phát triển của phân khúc này. Vì thế, Nghị quyết 171 là một bước đột phá trong chính sách phát triển nhà ở và sử dụng đất ở VN. Nghị quyết bám sát thực tiễn và phù hợp trong bối cảnh nhu cầu nhà ở ngày càng lớn, còn quỹ đất phát triển đang dần cạn kiệt. 

Tuy nhiên, TS Phú lưu ý việc triển khai cần đi kèm với sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch và công bằng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN, nhà nước và người dân. Để chính sách này khả thi, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, phải ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Bởi sẽ có rất nhiều tình huống phát sinh trong quá trình triển khai về nguồn gốc đất, tính pháp lý của đất, ranh quy hoạch, chồng lấn quy hoạch.

"Nguồn lực cán bộ trong lĩnh vực địa chính, tài nguyên môi trường, quy hoạch kiến trúc… phải đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ cả về chất lượng lẫn số lượng. Nhà đầu tư phải có nguồn lực tài chính chứ không chỉ có đất vì sẽ phải thực hiện qua nhiều công đoạn mới có thể triển khai dự án . Chính quyền địa phương phải có hướng dẫn kịp thời và quy trình triển khai minh bạch, rõ ràng", TS Huỳnh Quang Phú chỉ rõ.

"Nếu mọi việc được triển khai thuận lợi thì tại TP.HCM sẽ có thêm gần 2.000 ha đăng ký thực hiện dự án thí điểm. Điều này sẽ giải phóng nguồn lực đất đai, tăng nguồn cung nhà ở, thúc đẩy đầu tư, giảm chi phí và thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời góp phần quy hoạch đô thị hợp lý và thực tế hơn", PGS-TS Huỳnh Quang Phú nhìn nhận.

Cần mở rộng trên cả nước

Bên cạnh Nghị quyết 171/2024, với Nghị quyết 170/2024, lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để làm cơ sở xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 64 dự án trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, TP.Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; tạo điều kiện tái khởi động lại 64 dự án bị trùm mền hàng chục năm qua, sẽ tác động tích cực lan tỏa về kinh tế, xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương. Theo HoREA, còn có nhiều địa phương cũng có các dự án bị vướng mắc tương tự. Do vậy rất cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 170/2024 và Nghị định 76/2025 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 1.533 dự án đang bị vướng mắc tương tự vừa được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung tháo gỡ.