Một dự án nhà ở Hà Nội: Giá gần 10 triệu đồng /m2, bán mãi vẫn chưa hết
Giá chưa đến 10 triệu đồng/m2, một dự án nhà xã hội vẫn phải mở bán lần 20
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết mới đây đã nhận được văn bản của Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO về kế hoạch tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua NOXH Bamboo Garden đợt 20 tại khu đô thị Quốc Oai, Hà Nội.
Dự án Bamboo Garden gồm 2 khối công trình cao 9 tầng. Diện tích đất xây dựng: 5.248m2. Tổng số căn hộ: 432 căn hộ NOXH.
Theo thống kê, số căn hộ đã bán từ (đợt 1 đến đợt 19) là 322 căn. Số căn hộ còn lại: 24 căn. Số căn nhà ở xã hội để cho thuê 86 căn, trong đó cố căn hộ đã cho thuê (từ đợt 1 đến đợt 19): 0 căn; số căn hộ mở cho thuê đợt 20: 86 căn
Giá bán tạm tính căn hộ nhà ở xã hội tại Bamboo Garden là 9.960.000 đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì); giá cho thuê là 48.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).
Nguồn cung biến động, giá bất động sản có thể bị đẩy cao hơn
Đó là nhận định của ông Stephen Wyatt , Tổng Giám đốc JLL Việt Nam trong báo cáo với chủ đề “5 xu hướng thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020” vừa được phát hành.
Theo báo cáo mới nhất của JLL, khoảng 30.000 - 35.000 căn hộ dự kiến sẽ mở bán chính thức tại TPHCM và 40.000 - 45.000 căn hộ ở Hà Nội. Cần lưu ý rằng nguồn cung này sẽ có nhiều biến động do chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc cấp quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng.
Theo đại diện JLL, nhu cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng trong tương lai và sẽ đẩy giá cao hơn nữa ở tất cả các phân khúc. Tuy nhiên, nhu cầu trong phân khúc cao cấp, đặc biệt là nhu cầu từ các nhà đầu tư, có thể sẽ chậm lại trong dài hạn vì mức giá cao và hiệu suất cho thuê thấp làm cho kênh đầu tư trở nên kém hấp dẫn hơn so với những năm trước đây.
Giới đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sẽ “rơi rụng” vì dịch corona?
Theo nghiên cứu của Savills, dịch bệnh do virus corona đang ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Ngành du lịch sẽ có sự suy giảm về tăng trưởng trong quý I do người dân hạn chế đi du lịch, nhiều khách sạn, nhà hàng tạm thời đóng cửa.
Tuy nhiên, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ không thay đổi nhiều. Nhà đầu tư sẽ không vì dịch bệnh mà bỏ qua sự hấp dẫn của thị trường. Bởi, các nhà đầu tư dài hạn thường không bị chi phối bởi những biến động ngắn hạn như thiên tai, dịch bệnh.
Ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho biết, khi mà thị trường có những biến động như dịch bệnh thì cũng là cơ hội để thử thách thị trường.
Doanh nghiệp nào có thực lực, thích nghi tốt sẽ bám trụ lại, doanh nghiệp nào “yếu sức” sẽ không thể vượt qua được thử thách và "rơi rụng" dần. Tuy nhiên, dù gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp khó có thể “bán đổ bán tháo” tài sản trước tình hình này.
TPHCM đối thoại với 36 "ông lớn" địa ốc
Ngày 22/2, 36 doanh nghiệp bất động sản có cuộc họp bàn với ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM và ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Theo đó, nội dung buổi làm việc sẽ xoay quanh các vấn đề đang còn vướng mắc, tồn tại liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản hiện nay.
Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản (BĐS) có nguồn gốc quỹ đất thuộc nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.
Dự án qua 5 “đời” chủ tịch vẫn tắc, doanh nghiệp than làm địa ốc khổ nhất
Ngày 18/2, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức buổi tổng hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực địa ốc, sau đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cho rằng, trong số các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì doanh nghiệp bất động sản nhiều khó khăn nhất.
Lý giải vì sao lại có nhận định như vậy, ông Hiệp nói: Doanh nghiệp địa ốc đang bị chi phối bởi 10 loại luật. Các doanh nghiệp như trong “ma trận”, nhiều trường hợp đúng luật này nhưng luật khác lại không đúng.
Theo lãnh đạo GP.Invest, có dự án ở Việt Trì, doanh nghiệp theo đuổi 12 năm, phải trải qua 5 "đời" Chủ tịch tỉnh mà đến nay vẫn chưa triển khai được… Bởi một số hộ đến nay vẫn chưa thống nhất về giá đền bù. Trong khi đó, hệ số đền bù thì mỗi tỉnh một kiểu.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)