Một mặt hàng của Việt Nam đang vươn lên thành 'ngôi sao' xuất khẩu: thu về hàng chục tỷ USD, các 'đại bàng' công nghệ đua nhau làm tổ
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , trong tháng 6/2024, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam đạt gần 4,75 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 5/2024 và tăng 18,3% so với tháng 6/2023.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghệ này của cả nước đạt gần 27,15 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là nhóm hàng có kim ngạch đứng thứ 2 trong số các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam (chỉ đứng sau nhóm hàng máy tính điện tử và linh kiện ), chiếm tới 14,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
3 cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới đều tìm đến Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, đạt gần 6,12 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 22,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện các loại của cả nước. Riêng tháng 6/2024 đạt gần 1,43 tỷ USD, tăng 17,9% so với tháng 5/2024 nhưng giảm 10% so với tháng 6/2023.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 là Mỹ đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng 34,7%, chiếm 20,3%. Trong tháng 6/2024, kim ngạch đạt 873,58 triệu USD, tăng 7,4% so với tháng 5/2024 và tăng mạnh 82,3% so với tháng 6/2023.
Đứng thứ 3 là thị trường Hàn Quốc, đạt gần 1,77 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 6,5%, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đứng sau là các thị trường lớn khác như U.A.E đạt trên 1,71 tỷ USD, tăng mạnh 66,7%; thị trường Ấn Độ đạt 924,42 triệu USD, tăng 102,9%.
Nhìn chung, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang hầu hết các thị trường trọng điểm trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Kể từ năm 2021, thị phần điện thoại thông minh của Việt Nam trên toàn cầu đã tăng đáng kể. Việt Nam đã giành 13% thị phần, nhanh chóng vượt qua Ấn Độ vươn lên vị trí nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Công Thương , các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước có sự đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều thương hiệu công nghệ lớn còn liên tục đặt nhà máy lắp ráp điện thoại, linh kiện tại Việt Nam như Samsung, Apple, Foxconn.
Vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc và sự gần gũi với các hành lang thương mại hàng hải quan trọng cũng là công cụ biến Việt Nam thành thỏi nam châm thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, Nhật Bản ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.
Cùng với chi phí lao động cạnh tranh và cơ sở hạ tầng mạnh mẽ phù hợp với hiệu quả xuất khẩu, Việt Nam đã và đang nhanh chóng trở thành điểm đến ưa thích cho các hoạt động sản xuất trên phạm vi toàn cầu.