Một năm “đen đủi" với bất động sản cho thuê, “đất vàng" cũng bật khóc
Cuối năm ngoái, chị Miên - một chủ hộ kinh doanh mặt hàng thời trang tìm “đỏ mắt" vẫn không thuê được mặt bằng trên phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Lui xuống Cát Linh, Kim Mã, chị vẫn thấy việc tìm được mặt bằng cho thuê “khó như lên trời" mặc dù chấp nhận mức chi phí rất cao ở những nơi “đất vàng" như thế này.
Bất ngờ Covid-19 ập đến, sau chỉ vài tháng, “thế trận" mặt bằng kinh doanh cho thuê ở Hà Nội khác hẳn. Nhiều tuyến phố rợp màu đỏ của băng rôn “cho thuê", “sang nhượng mặt bằng"...
Những người tìm mặt bằng để kinh doanh như Miến không khó để lựa chọn vị trí phù hợp với mức giá mềm hơn trước rất nhiều. Chỉ có điều, họ sẽ phải tính toán việc có nên gia nhập thị trường lúc này hay không.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, dù đã sau hơn 1 tuần nới lỏng giãn cách xã hội, trên các tuyến phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... những nơi được mệnh danh là những “đất vàng", “đất kim cương" vẫn trong tình trạng đìu hiu, nhiều cửa hàng chật vật tìm khách thuê, sang nhượng lại mặt bằng.
Chuyên gia JLL Việt Nam cho biết, sự lây lan nhanh chóng và bất ngờ của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã tác động rất lớn tới bất động sản cho thuê.
“Các nhà bán lẻ sẽ phải sẵn sàng lèo lái qua một giai đoạn rủi ro cao cho dòng tiền và tăng chi phí hoạt động phát sinh từ sự sụt giảm nhu cầu mua sắm”, chuyên gia JLL nhận định.
Thậm chí, các chuyên gia cho rằng phân khúc bất động sản cho thuê này “thấm đòn” Covid-19 nặng nề chỉ sau mỗi bất động sản du lịch.
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang “tàn phá” nặng nề khiến nhiều chủ bất động sản mặt bằng bán lẻ cân nhắc điều chỉnh ngắn hạn về chính sách thuê nhằm hỗ trợ những khách thuê đang gặp khó khăn. Một số lựa chọn giảm giá thuê, gia hạn thời điểm thanh toán.
Tại thời điểm này, đa số khách thuê nhà đều mong muốn chủ bất động sản mặt bằng bán lẻ giảm giá thuê. Tuy nhiên, đa số các chủ nhà chỉ giảm khoảng 10-30% giá thuê, cá biệt có những chủ nhà không chịu giảm, hỗ trợ.
Không chỉ các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, các “ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản cho thuê cũng khổ sở vì Covid-19.
“Một vài thương hiệu quốc tế đã hoãn kế hoạch ra mắt trong năm nay tại Việt Nam, đặc biệt là tại TPHCM do ảnh hưởng của đại dịch. Tình hình này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch khai trương gần 280.000 m2 diện tích không gian bán lẻ tại TPHCM và 180.000 m2 diện tích ở Hà Nội vào năm 2020, bổ sung vào 2,3 triệu m2 nguồn cung hiện tại”, một báo cáo của JLL cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo một công ty môi giới cho biết, hiện nhiều người ký gửi cho thuê mặt bằng nhưng rất khó tìm được người thuê nếu giá thuê cao. Nếu không giảm thì phải chấp nhận để trống mặt bằng. Vì vậy nhiều chủ nhà sẽ chấp nhận thương lượng giảm giá thuê tạm thời, có thể là chia sẻ gánh nặng với người thuê hay tránh để phí mặt bằng.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình.
Bên cạnh đó, số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. Điều này đã và đang tác động rất lớn cho những hộ kinh doanh bán lẻ tại các khu vực vốn đón nhiều khách nước ngoài như khu Phố Cổ hay một số địa điểm khác.
Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hoá theo số liệu thống kê quý I cho thấy mức tăng rất thấp, tuy nhiên, bắt đầu từ cuối tháng 3, sang tháng 4, khi cả nước thực hiện cách ly xã hội thì mức bán lẻ sụt giảm mạnh mẽ hơn nữa khi tất cả các cửa hàng dịch vụ kinh doanh không thiết yếu buộc phải đóng cửa. Dự báo, quý II sẽ “ngấm đòn” nặng hơn quý đầu năm khi thu nhập người dân giảm, thắt chặt chi tiêu.
Nguyễn Mạnh