Một năm diễn biến “lạ" với địa ốc, dân trong ngành khó mơ nhận thưởng Tết
Chuyện thưởng Tết giới địa ốc: Mơ gì nhận nhà xịn với xe sang
Cứ dịp cuối năm cận kề, chủ đề được người lao động bàn tán sôi nổi có lẽ vẫn là chuyện “thưởng Tết” . Trong giới địa ốc, ngoài việc thưởng bằng nhà, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp còn công bố thưởng ô tô bạc tỷ cho nhân viên.
Năm nay, ngay tại thời điểm này, khi được hỏi, đa phần các ông chủ doanh nghiệp địa ốc đều chưa đưa ra con số cụ thể về mức thưởng Tết. Tuy nhiên điểm không vui, hầu hết đều nhận định năm nay bất động sản “trầm lắng” nên khó có chuyện rầm rộ thưởng Tết mức đột biến, chấn động kiểu “nhà lầu, xe hơi” hay tiền tỷ trao tay.
Một vị chủ doanh nghiệp này cho rằng nguyên nhân là sản phẩm mới ra thị trường không đủ để bán, trong khi lực lượng nhân viên môi giới lại “hùng hậu". Cho nên việc duy trì công việc cho nhân viên còn khó, ước mơ thưởng cao khá xa xỉ với họ.
Trong khi một lãnh đạo doanh nghiệp khác cho biết ông chứng kiến khá nhiều dân môi giới phải bỏ nghề, chuyển ngành.
Dân có tiền, thị trường BĐS vẫn trầm lắng?
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng thời điểm khủng hoảng thường là khi cung vượt quá cầu, lượng tồn kho xuất hiện cùng với nhiều dự án “ma”.
Đối chiếu với thực tế hiện nay, không cho rằng thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng song theo ông Nguyễn Quốc Anh thì thị trường đang có diễn biến “kỳ lạ”.
Phân tích rõ hơn, vị này cho biết, Việt Nam đang trong thời kỳ có tốc độ tăng trưởng GDP rất tốt, cao nhất trong 9 năm, người dân có tiền, lạm phát có mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm qua, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt 3,1 tỷ USD.
Ông Quốc Anh cũng cho biết, qua thống kê cho thấy nhu cầu bất động sản tăng cao, riêng Hà Nội cần tới 4,7 triệu m2 sàn mới mỗi năm (tương đương khoảng 6.000-7.000 căn hộ). Tăng trưởng kinh tế tốt, dân có tiền, nhu cầu lớn, lạm phát thấp, có vẻ như không có gì khiến bất động sản không phát triển được. Tuy nhiên, tại sao thị trường lại “trầm lắng” là câu hỏi được đặt ra.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa: Ở Việt Nam, không cho vay bất động sản thì cho cái gì vay?
Nhiều quan điểm cho rằng động thái siết tín dụng vào bất động sản là cần thiết để bớt rủi ro cho thị trường. Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa – một chuyên gia kinh tế - lại không cho rằng như vậy.
Tại diễn đàn Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020 do VnEconomy tổ chức diễn ra mới đây, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, bất động sản có cơ hội lớn và dài hạn. Nếu không cho lĩnh vực này vay thì cho ai vay?
“Nhiều nhà quản trị ngân hàng nói với tôi rằng, nếu không cho vay bất động sản thì cho vay gì? Các thị trường khác rủi ro lớn hơn rất nhiều. Còn một vài thị trường chưa mở toang là bất động sản, viễn thông, hàng không, những lĩnh vực này cạnh tranh với nước ngoài còn thấp. Nên ngân hàng không nếu không cho 3 lĩnh vực này vay thì cho ai vay?”, ông Nghĩa nêu vấn đề.
Ban hành khung giá đất mới, Hà Nội và TP.HCM cao nhất là 162 triệu đồng/m2
Theo Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất vừa được Chính phủ ban hành, mức giá tối đa đối với đất ở Hà Nội và TP. HCM là 162 triệu đồng/m2.
Nghị định cũng quy định 7 vùng kinh tế để xây dựng khung giá đất. Cụ thể, vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh. Với vùng kinh tế này, khung giá đất quy định giá đất ở tại đô thị loại 1 đến loại 5 tối thiểu là 50 nghìn đồng/m2, tối đa là 65 triệu đồng/m2.
Nghị định cũng yêu cầu UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.
Dân giàu, mang cả bọc tiền đi tìm môi giới
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nhu cầu thực tế của người dân đối với bất động sản rất lớn.
“Anh em môi giới nói tiền trong dân rất nhiều , có những người cầm cả bọc tiền đến tìm chỗ đầu tư”, ông Đính kể. Ông Đính lấy ví dụ, một dự án mới mở bán trong TP.HCM, chỉ mới bung hàng khoảng một quý đã “bay” cả hơn chục nghìn căn hộ.
“Rõ ràng nhu cầu mua bất động sản của người dân rất mạnh. Nhu cầu lớn mà nguồn cung không đáp ứng kịp thì đúng là đáng cảnh báo”, ông Đính lo ngại.
Ông Đính cho biết thêm, hiện nay thị trường vẫn còn lượng hàng từ trước đó, chỉ trong 1-2 năm nữa là vơi dần. Nếu lúc đó cầu vẫn mạnh, nguồn cung lại chưa kịp đáp ứng thì theo vị này, nguy cơ bất ổn lớn.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)