Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 còn nhiều chông gai
Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2021 - 2023, các địa phương trên cả nước mới chỉ hoàn thành khoảng 38.000 căn NOXH. Để hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn NOXH đến năm 2030 thì trong 7 năm, mỗi năm thị trường phải cung cấp từ 130.000 - 150.000 căn hộ nhà ở xã hội . Trong năm 2024, cả nước chỉ xây dựng được khoảng 21.000 căn nhà ở xã hội , cách rất xa chỉ tiêu 130.000 căn được đề ra.
Với những con số trên có thể thấy, mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn NOXH giai đoạn 2021-2030 đang gặp nhiều thách thức khi tiến độ thực hiện thời gian qua là rất "nhỏ giọt".
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển NOXH đạt hiệu quả như kỳ vọng, cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Việc bố trí quỹ đất để phát triển NOXH cũng cần được thực hiện khẩn trương.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản cho hay, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao cả nước phải phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn NOXH nhằm hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành Đề án “Xây dựng 1 triệu căn NOXH đến năm 2030”. Ngay từ khi đặt ra, mục tiêu này đã được coi là thách thức lớn. Lý do bởi, NOXH chủ yếu do các doanh nghiệp bất động sản thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân, số lượng dự án đầu tư bằng vốn ngân sách rất hạn chế. Do đó, nhà nước không thể chủ động và kiểm soát được kết quả đầu tư hoàn thành NOXH. Trong khi đó, chỉ tiêu xây dựng 130.000 căn nhà ở xã hội /năm cao gấp khoảng 10 lần chỉ tiêu thực tế hoàn thành trong các năm trước đây.
Bên cạnh đó, trước đây, các địa phương rất ít quan tâm đến việc dành quỹ đất phát triển NOXH, đặc biệt là thiếu quỹ đất sạch. Điều đó dẫn đến việc, những địa phương dù có nhu cầu về NOXH lớn nhưng việc đầu tư vào phân khúc còn hạn chế. Cụ thể, Hà Nội (mới đáp ứng khoảng 9% so với mục tiêu), TP.HCM (mới đáp ứng khoảng 19%), Đà Nẵng (mới đáp ứng khoảng 43%)...
Cũng theo ông Đỉnh, bên cạnh lý do thiếu quỹ đất sạch thì “độ trễ” về pháp lý và thi công cũng ảnh hưởng đến tốc độ triển khai. Trên thực tế, thời gian làm thủ tục pháp lý dự án tối thiểu 2 năm, thời gian từ khi khởi công xây dựng cho đến khi hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng nhà chung cư cũng phải mất 18-24 tháng. Giai đoạn đầu năm 2024, cả nước có rất ít dự án đã đủ thủ tục pháp lý, có giấy phép xây dựng và đang trong giai đoạn thi công để tạo nguồn cung NOXH. Do đó, việc cả nước không hoàn thành chỉ tiêu 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024 đã được dự báo trước.
Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội được xây dựng cho giai đoạn 10 năm, từ năm 2021 đến năm 2030 và như vậy đã trải qua được 40% chặng đường với tốc độ rất chậm chạp. Chỉ còn 6 năm nữa để hoàn thành Đề án với rất ít tín hiệu khả quan.
Nói về độ chậm trễ của tiến độ xây dựng, ông Đỉnh cho hay, NOXH hiện nay chủ yếu do doanh nghiệp thực hiện và bằng nguồn vốn tư nhân, do đó khả năng thành công của Đề án phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện, các doanh nghiệp bất động sản vẫn “than khó” khi làm nhà ở xã hội bởi thủ tục pháp lý dự án nhà ở xã hội quá phức tạp, khó hơn dự án nhà ở thương mại. Có rất nhiều khó khăn, vướng mắc làm nản lòng các doanh nghiệp, trong đó, 3 vướng mắc lớn nhất được doanh nghiệp nhìn nhận là quỹ đất, nguồn vốn và thủ tục pháp lý.
“Nhu cầu nhà ở của nhóm đối tượng yếu thế gồm người thu nhập thấp, công nhân, người lao động, cán bộ, công chức… là rất lớn. Những vụ cháy chung cư mini, nhà trọ… với hậu quả nghiêm trọng thời gian qua cho thấy, nhu cầu bức thiết của người dân về NOXH, đặc biệt tại khu vực đô thị. Không phải người dân không ý thức được mức độ nguy hiểm của các khu nhà trọ, chung cư mini, nếu có nguồn cung NOXH thay thế thì người dân đã không phải lựa chọn các chung cư mini chật chội, nguy hiểm, ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Văn Đỉnh cho hay.
Theo kế hoạch Bộ Xây dựng đưa ra, mục tiêu trong năm 2025 sẽ hoàn thành thêm khoảng 100.000 căn NOXH, hoàn thành mục tiêu này là một bài toán khó. Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, là một loại hình bất động sản đặc thù, rất “khó” và kém hấp dẫn các nhà đầu tư, do vậy, để đạt mục tiêu 100.000 căn NOXH cần có quyết tâm rất cao của toàn bộ hệ thống chính trị, từ các cơ quan Nhà nước, vai trò hướng dẫn, giám sát của các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng, sự quyết liệt của chính quyền địa phương, sự chủ động của các doanh nghiệp bất động sản, cùng với đó là sự vào cuộc của các tổ chức liên quan như Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp xây dựng...
Để có sản phẩm nhà ở xã hội thì yếu tố đầu tiên vẫn phải là có quỹ đất. Nhà nước phải kiên quyết thu lại quỹ đất NOXH trong các dự án khu đô thị mà chủ đầu tư không triển khai để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới hoặc trực tiếp đầu tư bằng vốn đầu tư công để cho thuê.
Nhà nước cũng cần chủ động tạo ra quỹ đất NOXH độc lập bằng cách tự quy hoạch, tự giải phóng mặt bằng, đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật để mời gọi các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. Để triển khai được theo hướng này thì cần đến những cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù, chẳng hạn Luật Thủ đô 2024 cho phép HĐND Thành phố Hà Nội quyết định sử dụng ngân sách Thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án nhà ở xã hội độc lập.
“Hiện nay Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố về một số chính sách có tính chất đặc thù về đầu tư các dự án NOXH độc lập trên địa bàn. Đây là một tín hiệu tích cực, có khả năng cải thiện đáng kể tốc độ phát triển NOXH, bởi khi nhận thấy nỗ lực của Nhà nước cùng song hành thì các doanh nghiệp bất động sản sẽ có thêm động lực để đầu tư vào phân khúc này. Sau khi giải quyết được bài toán quỹ đất thì bài toán tiếp theo là về nguồn vốn ưu đãi. Cần có cơ chế hỗ trợ, cấp bù lãi suất từ Nhà nước để chủ đầu tư được vay vốn với lãi suất khoảng 4-5% thì mới thu hút doanh nghiệp yên tâm đầu tư NOXH. Ngoài ra, thủ tục vay, điều kiện cho vay phải thông thoáng hơn để không làm nản lòng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Đỉnh cho hay.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính, nhiệm vụ trọng tâm để giải bài toán nhà ở cho người dân và ổn định thị trường bất động sản, Chính phủ và các cơ quan liên quan là cần nhanh chóng đẩy mạnh triển khai đề án 1 triệu căn NOXH.
Để đạt được mục tiêu 1 triệu căn NOXH là một bài toán khó. Chính quyền địa phương phải là người tích cực chủ động trong việc xác định dự án nào là dự án NOXH để ưu tiên giải phóng mặt bằng nhanh, cung cấp nguyên vật liệu phù hợp và đáp ứng các yêu cầu mà chủ đầu tư mong muốn.
Ngoài ra, từ nhiều năm nay, nguồn vốn vẫn luôn là vấn đề khiến các chủ đầu tư “đau đầu” và quan tâm. Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc vay vốn phát triển NOXH, mức lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nên hạ xuống mức dưới 6% đối với chủ đầu tư và mức dưới 4,5% đối với người mua nhà. Cùng với đó, các ngân hàng cần giảm thêm lãi vay cho người vay mua nhà và tăng cho vay với người mua nhà; Thủ tục cho vay cần đơn giản hóa, không làm khó người vay mua NOXH.
GS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định, mục tiêu đạt 1 triệu căn NOXH là cực kỳ khó nếu chúng ta không có quyết tâm cao và không có sự thay đổi về tư duy cũng như các thủ tục hành chính. Các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… Từ đó hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng dự án NOXH, tạo nguồn cung cho thị trường.