Ngân hàng cho vay mua nhà lấy lãi suất bao nhiêu % là hợp lý?

Lãi vay mua nhà ưu đãi, người dân vẫn ngại

Theo khảo sát của Dân Việt, lãi vay mua nhà tại BIDV sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 5,2%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 6%/năm trong 24 tháng đầu. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi sẽ được tính theo lãi suất kỳ hạn 12 tháng cộng thêm biên độ 4%.

Vietcombank cũng đưa ra các gói vay mua nhà với mức lãi suất hấp dẫn: Từ 5,5%/năm cho 6 tháng đầu đối với khoản vay dưới 24 tháng; từ 5,7%/năm cho 12 tháng đầu với khoản vay trên 24 tháng và 6,5%/năm cố định trong 2 năm đầu tiên.

Dù các mức lãi suất này được xem là hấp dẫn, nhưng phần lớn chỉ kéo dài trong thời gian không dài. Sau đó, lãi suất thả nổi thường vượt 11,5%/năm, tạo gánh nặng lớn cho người vay.

Ví dụ, với khoản vay 3 tỷ đồng trong 15 năm, lãi suất thả nổi 10% sau 2 năm ưu đãi sẽ khiến số tiền trả góp tối thiểu mỗi tháng lên tới 16,8 triệu đồng, tổng số lãi phải trả lên đến 2,2 tỷ đồng, tương đương 73% gốc vay.

Lãi suất vay mua nhà tại nhiều ngân hàng thương mại hiện đã giảm mạnh so với năm 2023, kèm theo đó là các chương trình ưu đãi dành cho người có nhu cầu vay mua nhà. Tuy nhiên, người dân lại không mấy mặn mà.

Theo dẫn chứng số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 9/2024, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng (chiếm gần 21% tổng dư nợ nền kinh tế). Cho vay lĩnh vực bất động sản tăng 9,15% (cao hơn mức tăng 9% tín dụng chung). Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 16%, nhưng cho vay ở lĩnh vực nhà ở lại chỉ tăng 4,6%.

Thời gian ưu đãi lãi suất ngắn, cần kéo dãn thời gian

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế đánh giá các gói vay mua nhà hiện nay không mấy hiệu quả. Nguyên nhân chính đến từ việc, giá nhà thì cao mà thời gian ưu đãi so với thời hạn vay là quá ngắn, không phù hợp với kinh tế của người dân.

Theo ông Hiếu, cần kéo dài thêm thời gian ưu đãi và mức lãi suất chỉ nên tối đa 8%/năm sau khi thả nổi là hợp lý để người dân không bị gánh nặng tài chính và cần có thêm chính sách ưu đãi cho người mua nhà lần đầu. Việc này có thể không kích cầu vay mua nhà ngay nhưng sẽ giúp rất nhiều người dân chưa có nhà tìm được chốn an cư.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết: Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước hiện đã ở ngưỡng tương đối thấp, ở mức 3 - 4,5%/năm so với lạm phát mục tiêu là 4 - 4,5%. Chênh lệch lãi suất thực giữa lãi suất điều hành và lạm phát là tương đối hẹp. Do đó, dư địa để tiếp tục nới lỏng tiền tệ là không nhiều. Dù vậy, ông Hiếu vẫn kỳ vọng các ngân hàng có thể xem xét giảm thêm lãi suất vay cho người dân.

Ngoài việc giảm lãi vay mua nhà, ông Hiếu đề nghị cần nhanh chóng sửa đổi mức lãi suất của những gói 120.000 tỷ đồng hay 30.000 tỷ đồng và quan trọng vẫn là tăng nguồn cung phân khúc nhà ở vừa túi tiền.

Để nhanh chóng đẩy mạnh nguồn cung, TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính cũng đề xuất cần gỡ “nút thắt” về vốn những doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản.

Ông Nghĩa đề xuất nên ưu đãi giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội hoặc nhà giá rẻ và triển khai các quỹ bảo lãnh để hỗ trợ doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Đồng thời, việc đấu giá công khai, minh bạch quỹ đất và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính cũng cần được thực hiện nghiêm túc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở.