Ngân hàng ồ ạt thanh lý bất động sản để thu hồi nợ

Phần lớn tài sản được ngân hàng rao bán là bất động sản

Đầu quý 4/2024, Ngân hàng VietinBank liên tục thông báo bán tài sản đảm bảo, trong đó có tới 80% tài sản rao bán là bất động sản.

Gần đây nhất, ngày 12/12, VietinBank bán 2 tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất (QSDĐ) có thửa đất số: 375, trích tờ bản đồ số: 130-78; tổng diện tích 600 m2 tại tỉnh Nghệ An. Giá bán tối thiểu là hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, còn QSDĐ có số thửa 426 trích tờ bản đồ số 13 có diện tích 85,9 m2 tại tỉnh Nghệ An đang rao bán giá 677 triệu đồng.

Tại ngày 9/12, VietinBank thông báo đấu giá 2 ngôi nhà ở quận Phú Nhuận, TP. HCM với giá khởi điểm hơn 13,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, VietinBank cũng thông báo đấu giá 1 tài sản là nhà ở địa chỉ quận Bình Thạnh, TP. HCM có diện tích 275,5 m2. Đây là lần thứ 7 ngân hàng thông báo đấu giá tài sản này để thu hồi nợ vay nhưng vẫn chưa tìm được chủ.

3 "ông lớn" trong nhóm quốc doanh như BIDV, Agribank, Vietcombank cũng đồng loạt rao bán nhiều bất động sản thế chấp. Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cũng đang nhập vào "cuộc đua" này.

Đơn cử, ngân hàng BIDV lần thứ 3 rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Xây Dựng Sản Xuất Thương Mại Tài Nguyên. Theo BIDV, tổng dư nợ tính đến ngày 26/7/2024 là gần 5.721 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 2.506 tỷ đồng và dư nợ lãi phát sinh là hơn 3.124 tỷ đồng.

Ngân hàng cho biết tài sản đảm bảo cho khoản nợ hơn 5.700 tỷ này là QSDĐ và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Khu dân cư Phước Nguyên Hưng (nay là dự án Kenton) tại huyện Nhà Bè, TP. HCM và Quyền tài sản về khai thác mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội

Trong lần thứ 3 rao bán thanh lý khoản nợ xấu này, BIDV đưa ra mức giá giảm còn 5.163 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng so với tổng nợ.

Hay BIDV Bình Tân cũng lần thứ 15 rao bán đấu giá tài sản tại thửa đất 489 - 490 Nhị Bình Hóc Môn bao gồm hơn 1.446 m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh và 300 m2 đất ở nông thôn. Tổng giá khởi điểm trong lần thứ 15 rao bán, BIDV đưa ra mức giá hơn 16,44 tỷ đồng.

TạiAgribank cũng đang "mắc kẹt" với nhiều khoản nợ xấu như: 3 bất động sản là tài sản thế chấp của CTCP Hạ tầng cảnh quan Green-Art. Giá khởi điểm mà Agribank đưa ra bán đấu giá lần này là 33 tỷ đồng.

Đây là lần thứ 3 Agribank rao bán 3 bất động sản. Lần đầu vào tháng 8/2023 với giá khởi điểm 37,8 tỷ đồng; lần thứ 2 là vào tháng 6/2024 vừa qua, ngân hàng đã giảm 4,8 tỷ đồng xuống còn 33 tỷ đồng.

Ngân hàng tư nhân điển hình là Sacombank đang rao bán 26 tài sản bất động sản kể từ đầu quý 4. Những tài sản thế chấp là nhà ở, quyền sử dụng đất với giá rao bán từ 2,2 tỷ đồng trở lên.

Trong những tài sản này, tài sản đang được rao bán với giá cao nhất là hơn 114,1 tỷ đồng. Đây là căn nhà ở số 365 - 367 - 369 - 371 - 373 Nguyễn Văn Cừ nối dài, Phường An Bình, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Tài sản trên đất bao gồm nhà 3 tầng, tổng diện tích đất sử dụng hơn 1.060 m2.

Vì sao có những tài sản rao hàng chục lần, hạ giá nhưng vẫn "ế"?

Như đã nêu ở trên, có những tài sản thông báo thanh lý tới 15 lần, nhiều tài sản dù giảm vài tỷ đồng nhưng vẫn tiếp tục được ngân hàng rao bán lần thứ 3 nhưng vẫn chưa tìm được chủ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, cho biết nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng đang có phục hồi nhưng còn rất chậm. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới thanh khoản nhất là trong bối cảnh, giá bất động sản liên tục "ngáo" khiến người dân càng mang tâm lý dè chừng.

Ông Hiếu đánh giá, tình trạng các ngân hàng rao bán bất động sản dồn dập vào những tháng cuối năm vì khi kết thúc quý 3 vừa qua, tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng đang có xu hướng tăng.

Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết quý 3/2024, tổng nợ xấu tại các ngân hàng đạt khoảng 250.000 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 2,26%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang ở mức 4,55%, tăng 2% so với năm 2023.

Ngoài ra, ông Hiếu còn đánh giá thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam có điểm hạn chế là quá vướng quan điểm định giá khoản nợ, chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị khoản nợ theo thị trường. Sở dĩ nhiều cuộc đấu giá này phải tổ chức vài lần đến vào chục lần là do định giá quá cao.

Thêm nguyên nhân khác, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS chia sẻ: Đầu tiên là vẫn còn hệ lụy từ dịch Covid, nhiều người dân và doanh nghiệp gần như đã xuống đáy, không vực lên được. Thứ hai là ảnh hưởng từ cơn bão Yagi lại càng khiến những người thuộc nhóm nợ xấu này "chìm thê thảm".

Ngoài ra, về việc dù nhiều tài sản đã được ngân hàng "đại hạ giá" nhưng có thể do nguyên nhân vẫn còn dính pháp lý chưa gỡ rối được nên người dân không mấy mặn mà.