Ngày mai, Hà Nội duyệt xây dựng cầu nối Thủ đô với Hưng Yên và 2 cây cầu bắc qua sông Hồng
UBND TP.Hà Nội vừa trình HĐND TP xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP, trong đó có 3 cây cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi và Tứ Liên.
Cụ thể, theo tờ trình của UBND TP.Hà Nội, cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy có tổng chiều dài khoảng 5,6km đi qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm), điểm cuối giao với đường Vũ Đức Thuận (quận Long Biên).
Đường dẫn hai đầu cầu rộng khoảng 30m, với tổng chiều dài khoảng 2,25km. Cầu chính vượt sông Hồng được xây dựng vĩnh cửu theo tiêu chuẩn thiết kế cầu hiện hành; kết cấu vòm bao gồm 6 nhịp, rộng 43m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới.
TP.Hà Nội dự kiến xây dựng hầm chui trực thông tại vị trí giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh/đường sắt Hà Nội – Hải Phòng có quy mô 4 làn xe bề rộng khoảng 19,5m.
Đồng thời đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tại 4 nút giao: Nút giao khác mức với với đường Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái; (2) Nút giao với đường đê Tả Hồng (đường Long Biên – Xuân Quan) và đường Cổ Linh; (3) Nút giao bằng với đường Nguyễn Sơn; (4) Nút giao khác mức với đường Nguyễn Văn Linh/đường sắt Hà Nội – Hải Phòng.
UBND TP Hà Nội dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo hơn 15.967 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025-2027.
Cầu Tứ Liên và đường 2 đầu cầu từ nút giao đường Nghi Tàm đến nút giao đường Trường Sa với chiều dài khoảng 5,15km. Dự án nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, Long Biên và huyện Đông Anh. Điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ), điểm cuối qua nút giao với đường Trường Sa.
Dự án gồm nhiều hạng mục, trong đó cầu chính Tứ Liên vượt sông Hồng có chiều dài 1km, rộng 43m; cầu vượt sông Đuống dài 0,3km, rộng 44m, cầu vượt đê tả Đuống dài 0,08km, rộng 34m. Cầu dẫn phía quận Tây Hồ dài 1,4km, rộng từ 27,5m - 44m, cầu dẫn phía huyện Đông Anh dài khoảng 0,4km, rộng 35m.
TP.Hà Nội dự kiến xây dựng hầm chui quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ với bề rộng xe chạy 24,5m trên trục đường Tứ Liên tổng chiều dài phần hầm khoảng 1,265 km trong đó: (1) Hầm kín tại vị trí trước cửa Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia dài khoảng 0,16 km; (2) Hầm kín tại nút giao đường Trường Sa dài khoảng 0,1 km. (3) Hầm hở (ở hai đầu hầm kín và nối giữa hai hầm kín) dài khoảng 1,05km
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn 2 đầu cầu có tổng mức đầu tư 20.171 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025-2027.
UBND TP.Hà Nội cũng trình HĐND TP thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND TP.Hà Nội làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn 2 đầu cầu.
Tổng chiều dài cầu Ngọc Hồi (nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5 của TP. Hà Nội) và đường dẫn 2 đầu cầu khoảng 7,5km. Trong đó, chiều dài cầu chính và cầu dẫn 7,2km, rộng 33m; đường dẫu đầu cầu phía Hưng Yên khoảng 300m, rộng 60m.
TP.Hà Nội dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 11.844 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố và Trung ương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025-2030.
Chính quyền Hà Nội cho rằng, đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường đầu cầu sẽ hoàn thiện theo quy hoạch tuyến đường Vành đai 3,5 theo quy hoạch phát triển giao thông Thành phố; kết nối trực tiếp sang tỉnh Hưng Yên.
Bên cạnh đó, cầu Ngọc Hồi được đầu tư xây dựng sẽ giúp tăng sự liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tạo điều kiện thuận lợi, liên kết các khu đô thị mới như: Khu đô thị mới Ecopark, Khu đô thị Đại An, Khu đô thị Dream City… từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam của TP cũng như các tỉnh phía Nam và Đông – Nam của Vùng Thủ đô như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh.