Nghệ An: Đấu giá đất bằng bỏ phiếu kín, “cò” hết đường làm ăn
"Cò" lộng hành các phiên đấu giá đất
Việc đấu giá đất bằng hình thức trả giá trực tiếp, công khai ở một số địa phương tại Nghệ An thời gian qua đã bộc lộ nhiều kẽ hở cho các đối tượng “cò đất”. Lực lượng “cò” thông đồng để làm giá, dìm giá hoặc nâng giá làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh trật tự địa phương, thất thoát nguồn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá…, thậm chí là đe dọa người tham gia đấu giá đất để đạt được mục đích của mình.
Bởi vậy, ở một số địa phương, các cuộc đấu giá đất trở thành một điểm nóng về vấn đề an ninh trật tự. Đơn vị tổ chức phải nhờ đến lực lượng công an để đảm bảo phiên đấu giá diễn ra an toàn. Tuy nhiên, những cuộc làm giá, đe dọa ngấm ngầm vẫn diễn ra.
Ngày 9/9/2018, trong cuộc đấu giá đất ở diễn ra tại xã Nam Giang (Nam Đàn, Nghệ An), Công an huyện Nam Đàn bắt quả tang Trần Ngọc Chung (SN 1993, trú TP Vinh, Nghệ An) và Nguyễn Quốc Huy (SN 1996, trú TP Vinh) có hành vi thông đồng dàn xếp giá, sắp đặt “kịch bản” và nhận 97 triệu đồng từ một nữ khách hàng để chị này được đấu thắng lô đất số 40 với giá 198 triệu đồng.
Một cò đất khác là Hoàng Kiều Vinh (SN 1982, trú huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cũng bị Công an huyện Nam Đàn bắt giữ khi nhận 50 triệu đồng của một người đàn ông để sắp xếp “kịch bản” cho người này trúng thầu 1 thửa đất trong vòng đấu giá thứ 2.
Cả 3 “cò đất” này đều bị Công an huyện Nam Đàn khởi tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.
Trong 2 ngày 21 và 22/7/2018, UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở tại xã Sơn Hải. Đây là phiên đấu giá quy mô lớn nhất từ trước tới nay của huyện Quỳnh Lưu khi thu hút tới 930 bộ hồ sơ tham gia đấu giá. Xác định đây sẽ là điểm nóng về an ninh trật tự với sự tham gia của nhiều ổ nhóm xã hội với vai trò “cò đất”, Công an huyện Quỳnh Lưu huy động 50 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Ban Công an xã Sơn Hải tổ chức bảo vệ nhiều vòng.
Trong quá trình diễn ra đấu giá, Công an phát hiện và bắt giữ 3 nhóm đối tượng, thu 20 con dao mác, 15 con dao bầu, 2 kiếm, 8 tuýp sắt chế thành dao dài hơn 1 mét. Số thanh niên này được xác định là thuộc hai nhóm “cò đất” ở Quỳnh Lưu và TP Vinh, mang hung khí đi dọc tuyến quốc lộ, xung quanh trụ sở UBND xã Sơn Hải để thị uy và sẵn sàng đổ máu để giải quyết mâu thuẫn trong quá trình “bảo kê” hoạt động đấu giá đất theo đặt hàng của khách.
Để ngăn chặn tình trạng nạn “cò đất" hoành hành, nhiều phương án đã được triển khai như lắp camera giám sát, dừng việc tổ chức đấu giá khi có căn cứ cho cho rằng có các hành vi vi phạm Luật Đấu giá tài sản; rà soát, có biện pháp ngăn chặn các đối tượng hoạt động theo băng nhóm, ổ nhóm bảo kê, thông, dàn xếp kết quả đấu giá đất… Tuy nhiên, đấu giá đất ở một số địa phương vẫn khá căng thẳng bởi các hoạt động “ngấm ngầm” của đội ngũ cò đất.
Đấu giá bằng phiếu kín, “cò đất" bị triệt tiêu
Quỳnh Lưu được xem là điểm nóng trong đấu giá đất do tình trạng “cò đất” thông đồng, dìm giá, gây mất trật tự, khiến nhân dân bức xúc và làm thất thu ngân sách. Trong năm 2019 này huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh Nghệ An chọn làm điểm trong việc thay đổi hình thức đấu giá đất. Thay vì đấu giá trực tiếp, hiện các cuộc đấu giá đất ở Quỳnh Lưu sẽ được chuyển sang hình thức đấu giá gián tiếp bằng bỏ phiếu kín.
Các khách hàng tham gia đấu giá đất điền thông tin cá nhân, số lô đất, số tiền đấu giá bỏ vào phong bì, kí tên lên mép dán để niêm phong và bỏ vào thùng phiếu. Các thông tin này sẽ hoàn toàn được giữ bí mật và chỉ công khai khi mở niêm phong. Người nào bỏ giá mua cao nhất sẽ thắng.
Với cách làm này tình trạng chen lấn, mất an ninh trật tự, đặc biệt là việc “cò đất” ép người mua giàn xếp giá cả như trước đây đã không còn. Chỉ trong 1 buổi, 19/19 lô đất ở Quỳnh Thuận đã được đấu giá thành công, lô cao nhất có giá hơn 911 triệu đồng, lô thấp nhất có giá 682 triệu đồng. Địa phương thu về gần 15 tỉ đồng cho ngân sách từ việc đấu giá 19 lô đất nói trên. Tương tự, 39 lô đất ở xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) cũng được đấu giá thành công bằng hình thức bỏ phiếu kín, thu về cho ngân sách gần 20 tỉ đồng.
Bắt đầu áp dụng từ tháng 3, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng đã tổ chức đấu giá đất bằng phiếu kín tại 5 xã là Diễn An, Diễn Phúc, Diễn Xuân, Diễn Tân, Diễn Lợi. Có 51 lô đất ở các địa phương này được bán thành công. Tất cả các phiên đấu giá đều diễn ra an toàn, thuận lợi. Theo Hội đồng đấu giá đất huyện thì số tiền thu vào ngân sách tăng ít nhất 20% so với trước đây.
Dự kiến phiên đấu giá 90 lô đất tại xã Hưng Lộc (TP Vinh) vào cuối tháng 6 này cũng sẽ được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu kín. Theo ông Nguyễn Tất Sơn - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Vinh, tất cả 25 phường, xã trên địa bàn thành phố sẽ triển khai thực hiện đấu giá đất theo hình thức nói trên.
Hoàng Lam