Nghịch lý TTTM Hà Nội: "Bội thực" nguồn cung, bỏ trống nhiều nhưng giá thuê vẫn leo thang

Nhiều gian hàng bỏ trống, Trung tâm thương mại đối diện với "khủng hoàng thừa"

Trung tâm thương mại (TTTM) vốn là nơi vui chơi, giải trí, mua sắm mà nhiều người tìm đến với đa dạng các ngành hàng, dịch vụ cao cấp. Kênh phân phối truyền thống này từng là xương sống của ngành bán lẻ. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi bước vào một số TTTM tại Hà Nội, không khó để bắt gặp nhiều gian hàng đóng cửa, biển cho thuê mặt bằng xuất hiện ngày càng nhiều. Không còn cảnh tấp nập người mua sắm, thay vào đó là những dãy hành lang vắng vẻ, nhân viên bán hàng lướt điện thoại giết thời gian.

Khảo sát của Dân Việt, tại TTTM Royal City (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nơi từng được mệnh danh là thiên đường vui chơi, mua sắm nhưng nay đã rơi vào tình trạng nhiều gian hàng đóng cửa, trả mặt bằng.

Cũng trong quận, TTTM Artemis ghi nhận phần lớn khu vực shopping bỏ trống, theo ông Lương Can (bảo vệ TTTM), các gian hàng tại đây đã đóng cửa và rời đi ngay sau dịch Covid 19, chỉ còn duy nhất 1 nhà hàng ăn uống nằm trên tầng 4 và 1 siêu thị nằm dưới tầng trệt.

Qua tìm hiểu, hiện nay người dân thắt chặt chi tiêu hơn, đặc biệt là những mặt hàng không quá thiết yếu điện tử, mỹ phẩm...

Thực tế, theo báo cáo thị trường bất động sản quý 4/2024 của Savills, tổng nguồn cung bán lẻ duy trì ổn định theo quý và tăng 2% theo năm. Công suất duy trì ổn định theo quý nhưng giảm 3 điểm % theo năm, đạt 85%

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao bộ phận cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, thừa nhận thực tế với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu trong và ngoài nước, nhu cầu thuê mặt bằng vẫn cao, nhưng không phải trung tâm thương mại nào cũng thu hút được khách thuê.

Về triển vọng, đến cuối năm 2025, thị trường dự kiến sẽ mở rộng với 140.700 m2 nguồn cung bán lẻ mới từ bốn trung tâm mua sắm và ba khối đế bán lẻ. Trong giai đoạn 2026 và 2027, nguồn cung tiếp tục tăng thêm 174.100 m2 diện tích sàn cho thuê đến từ các dự án.

Nghịch lý: Cung tăng, giá thuê cũng tăng

Trong bối cảnh công suất thuê đi xuống, giá thuê tại các trung tâm thương mại lại không ngừng tăng. Báo cáo của Avison Young cho biết giá thuê trung bình tại khu vực trung tâm Hà Nội trong quý 4/2024 dao động 37 - 140 USD/m2/tháng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Ở khu vực ngoài trung tâm, mức giá 20 - 88 USD/m2/tháng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Bà Hoàng Nguyệt Minh cho biết, một số thương hiệu phải rời đi do giá thuê quá cao so với sức chịu đựng chi phí, trong khi nhiều trung tâm thương mại đang thay đổi và thay thế các thương hiệu cũ khiến công suất thuê giảm.

Bà Minh cho biết, thêm mô hình trung tâm thương mại dưới tòa chung cư vốn chật hẹp, nhiều cột và thang máy chung, khiến các thương hiệu lớn như thời trang, nhà hàng, mỹ phẩm, không mặn mà. Ngược lại, mô hình khối đế bán lẻ thu hút được một số lĩnh vực phòng gym, cà phê, nhưng độ lấp đầy cũng không quá cao, do nhiều chi phí vận hành.

Chuyên gia lý giải sao về gian hàng tại TTTM "vắng như chùa bà Đanh"?

Người dân đang có xu hướng mua sắm online nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử nên hạn chế việc đến các TTTM. Thực tế, điều này đã giúp ngành giao hàng phát triển khi không khó bắt mặt những người giao hàng "dải chiếu hàng" ở các tòa nhà văn phòng, chung cư để giao cho khách đặt mua online.

Nhận định về thực trạng này, TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp trả lại mặt bằng tại các TTTM lớn.

"Trước hết, tình hình chung cả nước hiện nay là sức mua kém, giảm sút rõ rệt. Sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn, đồng thời giá các mặt hàng hầu hết đã tăng. Người dân cũng đã chuyển dịch sang mua sắm online. Tiếp theo, giá thuê ở các TTTM cao, lợi nhuận thấp nên doanh nghiệp đã phải "bán lúa non" để bỏ. Đây là thực trạng đáng buồn của thị trường bán lẻ hiện nay đang diễn ra không chỉ ở TTTM mà còn ở các chợ truyền thống", vị chuyên gia này nói.

Theo số liệu từ Tổng Cục thống kê mới nhất, doanh số bán lẻ năm 2024 tăng trưởng ở mức hơn 8% trong khi các thời kỳ hoàng kim luôn tăng trưởng ở mức 2 con số.

Lối đi nào để cứu TTTM khỏi cảnh ảm đạm?

Mặc dù tình hình hiện tại không mấy khả quan, song theo các chuyên gia, TTTM vẫn có cơ hội phát triển nếu biết cách thay đổi để thích nghi với xu hướng mới.

Ông Thành cho rằng, cần điều chỉnh giá thuê mặt bằng linh hoạt là một giải pháp quan trọng. Một số chủ đầu tư đã bắt đầu triển khai mô hình chia sẻ doanh thu với doanh nghiệp thuê mặt bằng thay vì áp mức giá cố định, giúp giảm áp lực tài chính cho các cửa hàng.

Ngoài ra, các thương hiệu bán lẻ cũng cần tận dụng công nghệ để thu hút khách hàng quay trở lại, chẳng hạn như triển khai mô hình "click & collect" (đặt hàng online, nhận hàng tại cửa hàng) hoặc áp dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để nâng cao trải nghiệm mua sắm.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh cần tập trung "cứu" lấy TTTM chứ không nên "sinh sôi nảy nở" để thắng về số lượng. Thực tế, tại nhiều khu đô thị, diện tích thương mại ở khối đế chung cư bị bỏ trống do không có khách thuê. Một số dự án dù mới khai trương nhưng đã vắng khách ngay từ đầu, cho thấy tình trạng dư thừa không gian thương mại đang trở nên đáng báo động.