Ngỡ ngàng trước căn nhà cũ rích “lột xác” thành homestay
Chị Trần Thục Nhi (Hà Nội) cho biết, căn hộ vạn người mê, đẹp như homestay của chị khởi đầu bằng một "cú lừa thế kỷ". Do trước đó, chị đang có nhu cầu thuê nhà gấp nên đánh liều lên mạng tìm hiểu.
"Thú thật, đó là một sai lầm lớn nhất của tôi khi tin ảnh trên mạng. Khi tới xem, tôi quá sốc vì mọi thứ khác xa tưởng tượng. Khắp không gian chỉ toàn phế thải, gián bọ, công trình thì cũ nát, xuống cấp nguyên trọng" - chị Nhi nhớ lại.
Không nản chí, chị Nhi lên ý tưởng cải tạo căn nhà, biến những điều không thể thành có thể. Chị và một số người bạn cùng nhau thảo luận, thiết kế lại không gian theo hướng mở, thân thiện với môi trường.
Ngoài cải tạo thành nhà ở, chị Nhi còn thiết kế thêm khu vực làm việc ngay chính tại nơi đây. Thế nên, mạch thiết kế chủ đạo của căn nhà là đề cao tính gợi mở, thân thuộc và gần gũi.
"Xa hơn nữa, chúng tôi mong muốn ngôi nhà của mình giống như một điểm dừng chân an nhàn giữa những ga tàu vội vã. Để bất kỳ ai khi dừng lại và ghé thăm sẽ không còn cảm giác lạc lõng hay cô đơn" - chị Nhi tâm sự.
Chị Nhi cho biết, cách phối đồ và trang trí mọi vật dụng trong nhà đều gắn liền, song song với mạch thiết kế. Trong đó, sự hoài cổ sẽ đem lại cảm giác trẻ thơ và những thứ li ti, bình dị sẽ đưa những vị khách đến gần hơn với gia chủ. Không những thế, ngôi nhà luôn đặt yếu tố thiên nhiên lên hàng đầu nên mọi thiết kế đều hướng tới không gian xanh.
Theo chị Nhi, điều khó khăn nhất khi bắt tay vào cải tạo là phải tính toán từng mục chi tiết và cân bằng mọi thứ. Đơn cử như việc đập bỏ chỗ này, xây thêm chỗ kia hay thay mới vài đồ cơ bản. Bởi thế, chị đề ra mục tiêu là sẽ tự làm những thứ có thể, để không tốn nhiều tiền thuê nhân công.
"Mọi người thường có xu hướng đồ hỏng thì sẽ đem bỏ và thay mới, nhưng tôi sẽ chọn cách tái chế. Nên bởi thế, lối kiến trúc mà chúng tôi hướng đến sẽ đề cao sự thân thiện với thiên nhiên và gần gũi với môi trường"- chị Nhi lý giải.
Không những thế, do ngôi nhà xuống cấp trầm trọng nên khi tu sửa lại chị Nhi cũng gặp vài thách thức lớn, đặc biệt là về tài chính. “Thời gian ấy, tôi cũng đến đau đầu vì nhà hết dột mái lại đến hỏng máng nước, tắc bồn cầu. Trong khi đó, chi phí sửa chữa những khoản này là trên trời dưới bể. Với lại, chúng tôi còn trẻ, ngân quỹ thì không có nhiều, nên mọi người quyết định, những thứ trong khả năng đều sẽ tự cố, tự làm”.
Theo tiết lộ của gia chủ, tổng chi phí cải tạo, sữa chữa lại căn nhà là 50 triệu đồng.
Một số hình ảnh tuyệt đẹp về ngôi nhà:
Hoàng Dung
Ảnh: Đỗ Tuấn Vũ