"Ngược đời" đất gần 1 tỷ đồng/m2 nhưng báo giá cao nhất chỉ 200 triệu đồng (?!)
Hà Nội đang xin ý kiến đóng góp vào Tờ trình ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024, thành phố này đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất.
Theo tìm hiểu, để xây dựng bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024, liên ngành thành phố đã khảo sát, lấy ý kiến người dân và chính quyền địa phương về phương án điều chỉnh giá đất.
Kết quả khảo sát cho thấy có những khu vực tại quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Bông, Hàng Bạc có giá chuyển nhượng tới trên 800 triệu đồng/m2; phố Lý Thường Kiệt có giá chuyển nhượng hơn 900 triệu đồng/m2.
Theo đó, trong quá trình lấy ý kiến, liên ngành thành phố Hà Nội đề xuất giá đất ở đô thị cao nhất thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ, cao nhất 210,6 triệu đồng/m2. Giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông với hơn 4,5 triệu đồng/m2.
Trao đổi với PV Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mức tăng 30% vẫn là thấp và vẫn còn khoảng cách rất xa so với giá thị trường hiện nay.
"Giá đất hiện nay tại khu vực phố Hàng Bông, Hàng Bạc theo chính khảo sát của Hà Nội là 800 - 900 triệu đồng/m2, vậy tại sao trong dự thảo chỉ đưa ra giá cao nhất là hơn 200 triệu/m2? Nếu áp dụng bảng giá như thế này sẽ làm thất thu thuế Nhà nước" - ông Võ phân tích.
Cũng theo vị này, thực tế bảng giá đất chỉ ảnh hưởng đến thuế và phí. Đã đến lúc bảng giá đất phải được quy định bằng giá trung bình trên thị trường để giảm thất thoát thuế phí, chống thất thu ngân sách.
“Tất cả các thành phố lớn trên thế giới đều phát triển cơ sở hạ tầng từ nguồn thu từ thuế và phí tại chỗ. Nếu không hoàn chỉnh thuế đất thì việc xây dựng các đô thị Việt Nam sẽ thất bại”, GS. Đặng Hùng Võ chỉ rõ.
Do vậy, vị chuyên gia bất động sản kiến nghị mức tăng cần tiệm cận, thậm chí bằng giá thị trường. Nếu thấy việc tăng này làm mức thuế phí “nặng nề” hơn thì có thể tính toán giảm tỷ suất thuế.
Với việc nâng giá như vậy, ông Võ cho rằng sẽ có tác động tốt cho thị trường bất động sản. Về lâu dài, thị trường sẽ bớt đầu cơ. Nếu giảm được đầu cơ thì chắc chắn giá đất sẽ giảm.
Theo quy định, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định phải phù hợp với giá đất trên thị trường. Thế nhưng, thực tế điều này không được thực hiện ở hầu hết các địa phương. Chính sự lệch lạc giá trị như vậy gây thiệt hại nặng cho người bị thu hồi đất và ngân sách Nhà nước, làm lợi rất nhiều cho nhà đầu tư.
Một lãnh đạo Hà Nội từng cho biết, hiện nay, hầu hết khiếu nại của người dân đều yêu cầu TP phải đền bù giải phóng mặt bằng theo đúng hoặc sát giá thị trường. Nhưng trong quy định của Chính phủ đặt ra một yêu cầu là phải tuân thủ khung giá đất. Mà khung giá đất của Chính phủ cho phép TP và các tỉnh thành được điều chỉnh tăng giảm nhưng không được vượt quá mức cho phép.
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng bị phản ánh vấn đề khung giá đất. Một khảo sát của HoREA từng cho biết, bảng giá đất hiện nay cách xa "một trời, một vực" so với thực tế.
Đơn cử như một mét vuông đất trên đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) có giá giao dịch cả tỷ đồng, trong khi theo bảng giá chỉ 440 triệu đồng. Tính ra con số thất thu thuế khi giao dịch theo bảng giá đất không hề nhỏ.
Một số ý kiến cũng cho rằng, việc điều chỉnh và định lại giá theo chu kỳ 5 năm/lần là quá dài. Trong khi ở các quốc gia khác như Thụy Điển, Chính phủ điều chỉnh giá hàng loạt 6 năm/lần, nhưng có điều chỉnh nhỏ khoảng 6 tháng/lần, còn Singapore có thời gian điều chỉnh 1 năm/1 lần.
Nguyễn Mạnh