Người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ

Người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, thị trường BĐS có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Giá nhà chung cư , giá đất nền tại một số địa bàn tăng cao đột biến gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.

Tình trạng đấu giá ở mức gấp nhiều lần khởi điểm rồi bỏ cọc tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở dù có nhiều nỗ lực, cố gắng song kết quả chưa như kỳ vọng.

Thị trường BĐS vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; doanh nghiệp BĐS tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Trong khi đó, từ đầu năm 2024, giá căn hộ chung cư ở vị trí trung tâm hay vùng ven của thành phố Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến.

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do nguồn cung căn hộ tại thành phố Hà Nội đang thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các gia đình trẻ còn rất lớn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khi phân khúc chung cư bình dân khan hiếm, khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.

Ngay cả đối với nhà ở xã hội, hiện nay đang diễn ra thực trạng người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước và giá bán thực tế. Có ý kiến cho rằng, Nhà ở xã hội trên thực tế được mua bán, trao đổi, cho thuê chủ yếu bởi những người giàu, thậm chí cả người nước ngoài, không phải công nhân, người lao động, người có nhu cầu thực đối với loại hình nhà ở này. Do đó, đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội những năm qua để có giải pháp hiệu quả; nghiên cứu có biện pháp mạnh đối với vi phạm chính sách pháp luật về nhà ở xã hội.

Cùng với quá trình tăng giá đột biến của căn hộ chung cư, giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận. Đặc biệt, thời gian vừa qua, loạt phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội gây xôn xao thị trường.

Trong đó, một số cuộc thu hút hàng nghìn hồ sơ tham dự, gấp hơn chục lần số lô đất được bán ra và trúng đấu giá cũng gấp hàng chục lần giá khởi điểm. Tuy nhiên, diễn ra tình trạng "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ.

Cũng có ý kiến cho rằng, ở nhiều vùng ngoại thành của các thành phố lớn, tỷ lệ lấp đầy sau "phân lô, bán nền" chỉ là 5%; nghĩa là sau nhiều năm thực hiện phân lô, bán nền 100 lô đất, chỉ có 5 lô được sử dụng (xây nhà), còn 95 lô còn lại bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Vấn đề tồn kho bất động sản dở dang cũng rất đáng được quan tâm khi hàng nghìn căn nhà bị bỏ hoang hàng chục năm qua với tổng giá trị rất lớn; nhiều khu đô mới tỷ lệ số căn hộ được sử dụng thấp.

Trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ. Đây là những vấn đề có thể để lại hậu quả xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần xác định đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt của xã hội, thay vì là hàng hóa mua đi bán lại kiếm lời; từ đó có các giải pháp hữu hiệu giải quyết triệt để thực trạng nêu trên.