Nguồn lực kiều hối tiếp tục chảy mạnh về VN

Kiều hối tăng cao

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, kiều hối về TP.HCM trong 6 tháng đầu năm đạt gần 5,2 tỉ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ. Mặc dù lượng kiều hối quý 2 giảm 19,5% so với cuối quý 1, đạt 2,309 tỉ USD nhưng tăng 4,2% so với quý 2/2023. Kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 56,1% và tăng 48,5% so với cùng kỳ. Yếu tố nguồn nhân lực và thị trường lao động tiếp tục tác động tích cực đến lượng kiều hối chuyển về từ khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2024.

Nguồn lực kiều hối tiếp tục chảy mạnh về VN - Ảnh 1

Kiều hối về TP.HCM gần 5,2 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm

Ngọc Thắng

Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao, hiện có 6 triệu người Việt đang sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% là các nước phát triển. Riêng tại TP.HCM, có khoảng 2,9 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc tại các nước, vùng lãnh thổ. Đó cũng là lý do giúp lượng kiều hối về TP.HCM chiếm tỷ trọng cao so với cả nước. Năm 2023, lượng kiều hối về TP.HCM đạt mức kỷ lục 9,5 tỉ USD, chiếm khoảng 60% so với cả nước (16 tỉ USD), ghi nhận năm có tỷ lệ cao nhất trong các năm trở lại đây. Những năm trước, tỷ lệ này chiếm khoảng 50 - 55%. Theo thống kê từ Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài, lượng kiều hối về VN từ năm 1993 đến hết 2022 đạt trên 190 tỉ USD, nếu tính cả năm 2023 thì lũy kế đạt khoảng 206 tỉ USD. Trong 29 năm qua, lượng kiều hối gần bằng lượng vốn FDI giải ngân. Ngoài ra, con số kiều hối 5,2 tỉ USD vào TP.HCM còn cao gấp 4,6 lần so với 1,121 tỉ USD vốn FDI mà TP thu hút được trong nửa đầu năm.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết kiều hối là số tiền ngoại tệ của kiều bào, của người lao động VN ở nước ngoài chuyển về, bản chất là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về cho, tặng thân nhân và gia đình trong nước. Vì vậy nếu phân tích đánh giá những yếu tố tác động đến kiều hối và lượng kiều hối chuyển về qua từng năm, thì các yếu tố kinh tế chính trị, lao động việc làm và thu nhập… mang tính khách quan và có tác động trực tiếp nhất. Với ý nghĩa đó, nếu không có sự biến động lớn, và dựa trên kết quả kiều hối chuyển về TP trong 6 tháng đầu năm đạt mức cao nhất như nói trên thì kiều hối chuyển về trong năm sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng và có thể đạt mốc ấn tượng khoảng 10 tỉ USD trong năm 2024.

Tiềm năng còn lớn

TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính - bất động sản toàn cầu, cho biết cộng đồng người VN ở nước ngoài có khoảng 5,5 triệu người, nếu thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 20.000 USD, tương đương 100 tỉ USD. Năm 2023, người Việt sinh sống và làm việc tại nước ngoài gửi về nước khoảng 16 tỉ USD, do đó tiềm năng kiều hối còn rất lớn.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, trước đây, lãi suất USD ở Mỹ thấp nên nhiều kiều bào gửi về nước hưởng lãi, nhưng từ khi lãi suất USD bằng 0%, trong khi lãi suất USD tại Mỹ trên

5%/năm thì việc chuyển tiền về gửi tiết kiệm hưởng lãi suất không còn. Kiều hối giờ chủ yếu để tiêu dùng và đầu tư bất động sản, công nghiệp và nông nghiệp. Để thu hút nguồn vốn kiều hối nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế, ông Nguyễn Trí Hiếu đề nghị trước mắt cho phép gửi tiết kiệm ngoại tệ tính lãi suất khoảng 1 - 2%/năm thay vì mức 0% như hiện nay. Với mức tăng tỷ giá hằng năm từ 3 - 5% thì mức lãi suất này vẫn thấp hơn so với lãi suất tiết kiệm tiền đồng, đảm bảo tiền đồng vẫn hấp dẫn. Về lâu dài, chính quyền địa phương có thể thực hiện phát hành trái phiếu thu hút nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt... Hiện nhiều kiều bào muốn đóng góp cho quê hương nhưng không biết tiếp nhận thông tin như thế nào.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết việc Thành ủy TP.HCM thông qua đề án về chính sách kiều hối giai đoạn 2024 - 2030, với hệ thống các giải pháp nhằm tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối sẽ là yếu tố chính sách và môi trường đầu tư thuận lợi để phát huy nguồn lực này, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội TP.

Đề án về chính sách kiều hối giai đoạn 2024 - 2030 được thông qua với tinh thần không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận kiều hối , mà chủ yếu định hướng nguồn lực này vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Cụ thể, TP.HCM định hướng phát triển hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các quỹ sản xuất như quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa, quỹ đầu tư người VN ở nước ngoài… Qua đó, tạo cơ hội cho cá nhân, tổ chức nhận kiều hối có thêm lựa chọn tham gia đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng như trường học, bệnh viện, công trình thể dục thể thao, trung tâm hội chợ, triển lãm… thông qua việc đề xuất phát hành trái phiếu TP.

"Phát hành trái phiếu cho kiều bào, tôi tin rằng 70% thành công với điều kiện TP.HCM minh bạch về tài chính, khả năng thu thuế như thế nào, đánh giá tình hình tài chính, nguồn thu chi, nợ công và khả năng trả nợ. Những trái phiếu này tài trợ cho những dự án đặc biệt nào, gắn liền với dự án chứ không đưa ra chung chung trái phiếu cho hạ tầng. Thêm vào đó, nguồn tiền trả nợ trái phiếu như thế nào. Đồng thời lãi suất hợp lý và phù hợp với thị trường để thu hút các nhà đầu tư. Nếu đáp ứng được các yếu tố trên thì kiều bào sẽ bỏ tiền vào hạ tầng cơ sở", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Thêm vào đó, luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1.8 cho phép Việt kiều được đầu tư, kinh doanh bất động sản như công dân trong nước. Việt kiều sẽ được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện. Thị trường bất động sản kỳ vọng nguồn kiều hối sẽ trợ lực cho thị trường trong thời gian tới.

Theo dự báo có điều chỉnh của Đối tác tri thức toàn cầu về di cư và phát triển (KNOMAD), VN nằm trong tốp 20 quốc gia nhận nhiều kiều hối nhất năm 2023, sau Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc, Philippines, Pháp, Đức, Ukraine.

Nguồn lực kiều hối tiếp tục chảy mạnh về VN - Ảnh 2

Lượng kiều hối về VN

ẢNH: NGỌC THẮNG - ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN