Nguy cơ bị ghép mặt tống tiền
"Ngày càng giống như thật"
Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm trên mạng, người dùng internet có thể dễ dàng bắt gặp những ứng dụng ghép mặt, thay thế khuôn mặt vào hình ảnh, video clip của người khác. P.Đ.G, chủ một kênh YouTube chuyên hướng dẫn các thủ thuật tạo dựng hình ảnh, chia sẻ: "Bằng công cụ có sẵn, các bạn có thể ghép mặt của mình hoặc bất cứ ai vào những video clip khác. Dĩ nhiên tiền nào của đó, có những app (ứng dụng) miễn phí thì chất lượng cắt ghép thấp, độ nhận biết giả mạo dễ dàng, nhưng có những app thu phí giả mạo rất tinh vi, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra hình ảnh ghép trông như thật".
Không chỉ trên các kênh YouTube hay TikTok, rất nhiều website công nghệ khác cũng chia sẻ thủ thuật cắt ghép mặt người này vào thân thể người khác. Một chuyên gia công nghệ đang làm việc cho hệ thống điện máy lớn tại TP.HCM cho biết: "Công nghệ reface (thay thế khuôn mặt) đã bắt đầu manh nha từ hơn một năm qua, gần đây công nghệ này được nâng cấp lên nhờ AI, vì thế mức độ tinh vi ngày càng cao, càng giống như thật. Ban đầu người ta sử dụng các ứng dụng này để giải trí, tạo ra các clip hài, trêu đùa hoặc tạo sự tò mò. Tuy nhiên, sau đó nhiều đối tượng xấu đã sử dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp nhằm trục lợi, hoặc ít nhất là gây hoang mang, lo lắng cho những nạn nhân nhắm tới".
Mới đây, ngày 6.8 vừa qua, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.Cần Thơ đã cảnh báo trên địa bàn thành phố xuất hiện trường hợp kẻ gian sử dụng công nghệ cao lấy hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân gắn vào hình ảnh, clip có nội dung nhạy cảm để tống tiền trên 2 tỉ đồng... Theo đó, kẻ gian tìm kiếm thông tin, hình ảnh nạn nhân và thường nhắm đến những người có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội, chủ yếu là nam giới. Chúng thu thập thông tin, hình ảnh, số điện thoại từ các trang mạng xã hội , đặc biệt là các thông tin được chia sẻ ở chế độ công khai. Sau khi nắm được thông tin, hình ảnh của nạn nhân, đối tượng sử dụng công nghệ để ghép hình ảnh khuôn mặt nạn nhân vào các cảnh quay nhạy cảm, thường là trong nhà nghỉ, khách sạn…
Trường hợp này cũng gần giống những vụ việc xảy ra tại TP.HCM đã được cơ quan công an cảnh báo. Các đối tượng lừa đảo sau khi ghép mặt nạn nhân vào video clip nhạy cảm (nhìn xa y như thật) đã giả danh là thám tử tư gọi điện thoại thông báo với nạn nhân về việc đối tượng phát hiện nạn nhân có mối quan hệ bất chính với những người phụ nữ khác, yêu cầu nạn nhân phải chuyển một khoản tiền điện tử 80.000 USDT (tương đương hơn 2 tỉ đồng) vào ví điện tử để không bị đăng lên mạng xã hội, gửi tới các nơi làm việc và cho "chuộc lại" các clip và hình ảnh nhạy cảm nói trên. Trong trường hợp nạn nhân nghe theo, bọn lừa đảo hướng dẫn mua tiền điện tử và chuyển đến các ví điện tử theo chỉ định, sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, truy xét, xác minh làm rõ hành vi của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, khuyến cáo: "Hiện nay có rất nhiều công cụ thực hiện công nghệ deepfake với khả năng hoán đổi khuôn mặt có độ chân thực cao, rất khó phát hiện bằng mắt thường. Vì thế, để tránh bị đe dọa, khủng bố, tống tiền bằng AI deepfake, chúng ta không nên chia sẻ hình ảnh cá nhân quá nhiều, tuyệt đối không quay hoặc chia sẻ hình ảnh, clip có nội dung nhạy cảm; chú ý khi tham gia kết bạn, làm quen, hẹn hò trên mạng cần phải kiểm chứng ngoài thực tế. Khi trở thành nạn nhân, tuyệt đối không chuyển tiền và trình báo ngay với cơ quan công an nơi cư trú để được hỗ trợ".
Mạo danh, lừa đảo khắp nơi
Không chỉ đối diện nguy cơ trở thành nạn nhân bị ghép mặt gây tai tiếng, người dùng mạng xã hội hiện nay có thể bị lừa đảo bất cứ lúc nào vì chiêu trò mạo danh đầy rẫy khắp nơi. Ngày 8.8, cơ quan công an tỉnh Phú Thọ cho biết đã ngăn chặn kịp thời một vụ mạo danh cơ quan điều tra để lừa đảo. Cụ thể, bà Nguyễn Thị M., 69 tuổi, trú tại khu 2, xã Đồng Xuân, H.Thanh Ba (Phú Thọ) bị một người lạ xưng là cán bộ điều tra Bộ Công an gọi điện đến số điện thoại cá nhân và thông báo bà đang là đối tượng điều tra trong vụ án "Buôn bán thuốc và dụng cụ y tế kém chất lượng, chiếm đoạt tài sản", đồng thời yêu cầu bà M. trình bày rõ thông tin cá nhân, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình; số tiền vay ngân hàng, tài khoản và số tiền cá nhân hiện có.
Khi biết được bà M. đang có trong tài khoản ngân hàng số tiền 15 triệu đồng gửi tiết kiệm, đối tượng này yêu cầu nạn nhân phải đi rút tiền ngay và chuyển cho "cơ quan điều tra", nếu không sẽ bị thông báo vi phạm cho người thân trong gia đình, làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín cá nhân. Lo sợ và hoảng loạn khi bị các đối tượng lừa đảo uy hiếp tinh thần, bà M. đã đến ngân hàng để rút tiền và đến Công an H.Thanh Ba để hỏi thông tin về vụ việc mình đang bị điều tra. Sau khi đến trụ sở cơ quan công an, bà M. mới biết đã bị các đối tượng giả danh công an gọi điện lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Công an TP.HCM cũng phát cảnh báo về tình trạng lừa đảo qua mạng đang bùng phát. Trong nhiều trường hợp, các đối tượng sử dụng dịch vụ VoIP (truyền tải âm thanh qua internet) mạo danh cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện báo người dân bị kiện. Đối tượng viện lý do người dân nợ tiền hay liên quan đến vụ án đang điều tra, sau đó yêu cầu khai báo thông tin tài khoản, mật khẩu trên trang giả mạo. Do nhẹ dạ cả tin, nhiều người đã làm theo nên bị thu thập thông tin, rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Ngoài ra, người dùng tài khoản sàn điện tử Amazon phản ảnh họ nhận được nhiều tin nhắn thông qua email về các vấn đề liên quan tới quá trình mua bán, yêu cầu truy cập đường link và cung cấp thông tin nhằm khắc phục sự cố. Đại diện Amazon cảnh báo đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt thông tin vô cùng nghiêm trọng. Với dữ liệu cá nhân đánh cắp được từ phía người dùng, các đối tượng có thể đem bán trên các group chợ đen hoặc sử dụng để chiếm quyền truy cập tài khoản Amazon, thực hiện giao dịch mua bán trái phép.
Tập đoàn công nghệ Meta cũng đã đưa ra cảnh báo về hành vi lừa đảo tương tự. Cụ thể, một số lượng lớn người dùng Facebook báo cáo rằng các nội dung mà họ tạo ra và đăng tải bị gỡ xuống vì lý do vi phạm bản quyền. Sau đó họ nhận được tin nhắn đến từ tài khoản mang tên các công ty, tập đoàn lớn, yêu cầu truy cập theo các đường link hoặc đóng các khoản phí nhất định để phục hồi các nội dung trên, nếu không sẽ bị xóa vĩnh viễn. Nhiều người đã tin theo dẫn đến mất tiền hoặc bị chiếm quyền kiểm soát tài khoản.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo: Người dùng Amazon nói riêng và các sàn thương mại điện tử khác nói chung cần đề cao cảnh giác trước các tin nhắn lạ. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn, cung cấp dữ liệu cá nhân và thông tin ngân hàng. Khi gặp sự cố trong quá trình mua hàng và vận chuyển, người dùng nên trực tiếp liên hệ với đội ngũ nhân viên hỗ trợ thông qua ứng dụng hoặc số điện thoại chính thống.