Nguy cơ chiến tranh thương mại: Bất động sản đứng trước cơ hội và thách thức nào?
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường về đáp trả thuế quan giữa Mỹ và nhiều đối tác lớn trên thế giới có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, Thủ tướng đề nghị Việt Nam cần chuẩn bị mọi tình huống nếu xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới.
Bất động sản Việt Nam trước nguy cơ có làn sóng biến động toàn cầu
Việt Nam là nước vốn có quan hệ chặt chẽ về thương mại, đầu tư với nhiều quốc gia và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên sẽ có sự liên đới lớn về kinh tế. Trong đó, bất động sản là ngành được coi là cấu hình nền của ngành kinh tế nên dự báo cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, chia sẻ, một trong những rủi ro lớn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại là sự biến động của dòng vốn. Nếu chiến tranh thương mại xảy ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể chững lại hoặc dịch chuyển sang các thị trường khác có chính sách cạnh tranh hơn.
Thách thức trước mắt đến từ việc dòng vốn FDI đứng trước 2 ngã rẽ tăng và giảm. Trường hợp dòng vốn FDI giảm sẽ khiến nhiều phân khúc bất động sản "đi lùi", thậm chí là đóng băng.
Ông còn nhấn mạnh rằng, nếu chiến tranh thương mại xảy ra, đồng USD tăng mạnh sẽ đẩy giá nguyên vật liệu nhập khẩu lên cao. Điều này khiến các dự án bất động sản cao cấp, hạng sang tại các thành phố lớn có thể bị trì hoãn việc ra hàng.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, phải tới quý 2 - 3/2025 thị trường bất động sản mới hiện rõ nét.
Ngoài ra, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, vốn phụ thuộc nhiều vào khách quốc tế, có thể bị ảnh hưởng do sự suy giảm kinh tế toàn cầu và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, bất động sản thương mại, đặc biệt là mặt bằng bán lẻ, cũng có nguy cơ chịu tác động tiêu cực khi sức mua giảm do biến động kinh tế.
Trong nguy có cơ
Đối diện với nhiều thách thức nhưng ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, vẫn lạc quan cho rằng "trong nguy luôn có cơ".
Ông dẫn chứng, nhìn lại giai đoạn 2018 - 2019, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, nền kinh tế Việt Nam nói chung bị ảnh hưởng rất nhiều nhưng trong đó cũng có vô vàn cơ hội. Điều này cho thấy, thị trường bất động sản công nghiệp vẫn sẽ sẽ đón đầu động lực phát triển mạnh mẽ nhờ dòng vốn đầu tư ở các nước lớn vẫn sẽ tiếp tục "đổ" vào Việt Nam nhiều hơn.
Nhìn lại năm 2024, vốn FDI đăng ký vào kinh doanh bất động sản đạt hơn 6,3 tỷ USD, tăng 35% so với 2023.
Không chỉ ông Lực, nhiều chuyên gia cũng cho rằng nếu chiến tranh thương mại xảy ra thì Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn bởi các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp hơn và nguồn lao động dồi dào.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu, chiến tranh thương mại có thể tạo ra một cú hích lớn cho bất động sản công nghiệp Việt Nam. Khi các doanh nghiệp nước ngoài rời Trung Quốc, họ cần tìm kiếm thị trường thay thế với chi phí hợp lý và chính sách thuận lợi. Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào và chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn sẽ là điểm đến sáng giá.
Ngoài ra, sự dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia cũng làm gia tăng nhu cầu về nhà ở cho chuyên gia nước ngoài, tạo điều kiện cho phân khúc căn hộ cao cấp và bất động sản thương mại phát triển tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Bắc Ninh và Bình Dương.
Bất động sản thế giới cũng đang "căng thẳng" dõi theo vòng xoáy nguy cơ chiến tranh thương mại
Không chỉ bất động sản Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, chiến tranh thương mại khiến các doanh nghiệp toàn cầu đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao do thuế quan leo thang, kéo theo sự sụt giảm trong hoạt động đầu tư và mở rộng kinh doanh.
Thị trường bất động sản tại các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thương mại như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore và một số quốc gia châu Âu đã ghi nhận sự chững lại rõ rệt khi nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Tại Mỹ, sự suy giảm trong hoạt động sản xuất do hàng rào thuế quan với Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến nhu cầu văn phòng và nhà xưởng. Trong khi đó, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng giảm sút dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và thương mại. Tình trạng bất ổn này khiến nhiều doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường thay thế, trong đó Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn.