Nguyên nhân khiến bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể phục hồi trong năm 2025?
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn trầm lắng
Theo báo cáo của DKRA Group, trong năm 2024 thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trên toàn quốc còn rất trầm lắng và chưa ghi nhận dấu hiệu phục hồi.
Trong đó, nguồn cung sơ cấp giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực miền Nam và miền Trung tiếp tục dẫn dắt thị trường khi chiếm tỷ trọng 75% trong tổng nguồn cung. Lượng tiêu thụ sơ cấp chỉ tương đương 56% so với cùng kỳ.
Mặt bằng giá bán sơ cấp không biến động so với cùng kỳ và vẫn duy trì ở mức cao. Nhiều chủ đầu tư áp dụng rộng rãi các chính sách như: Hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc,… nhằm tăng thanh khoản nhưng hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.
Về phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp tăng 12% so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức thấp so với giai đoạn trước năm 2022. Sức cầu thị trường tiếp tục sụt giảm, chỉ tương đương 57% so với cùng kỳ, phần lớn giao dịch đến từ các dự án mới mở bán trong năm.
Riêng phân khúc condotel trong năm 2024 ghi nhận nguồn cung sơ cấp tăng 31% so với cùng kỳ, đến từ 49 dự án mở bán với tổng cộng 7,795 căn. Miền Trung tiếp tục là điểm sáng của thị trường về nguồn cung và lượng tiêu thụ sơ cấp trên cả nước, lần lượt đạt 71% và 79%.
Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Lượng giao dịch phần lớn tập trung ở những dự án có pháp lý hoàn thiện, được phát triển bởi chủ đầu tư có năng lực tài chính mạnh và có tổng giá trị dưới 3 tỷ đồng/căn.
Theo các chuyên gia, rào cản lớn của bất động sản nghỉ dưỡng là câu chuyện hiệu suất đầu tư và nguồn cung dư thừa. Sau nhiều năm tăng trưởng nóng, giá bán và nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng đang lớn, giá cũng cao nhưng khai thác thương mại lại chưa được như kỳ vọng. Ngoài ra, những tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua tại nhiều dự án trước đó tạo tâm lý thận trọng khi tiếp cận và lựa chọn bất động sản nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh tâm lý đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng còn yếu thì 2025 sẽ là năm chưa thể khởi sắc.
Dự báo bất động sản nghỉ dưỡng chờ đến năm 2026 mới phục hồi
Ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA, cho rằng vướng mắc pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng đã có hướng ra nhưng chưa được giải quyết triệt để. Phần lớn nhà đầu tư loại hình này vẫn chờ tín hiệu từ thị trường khi hành lang pháp lý mới được áp dụng.
"Điều này dẫn đến thanh khoản khó có sự đột phá dù nguồn cung cải thiện. Phân khúc nghỉ dưỡng cũng chịu thách thức không nhỏ khi áp dụng bảng giá đất mới theo giá thị trường. Giá đất tăng cao sẽ kéo theo gia tăng chi phí thuê đất, bất động sản nghỉ dưỡng thuộc loại hình đất thương mại dịch vụ có thời hạn sở hữu. Với những dự án cần gia hạn thời gian thuê, chi phí đóng tiền là một ẩn số lớn, tác động mạnh đến cả chủ đầu tư và nhà đầu tư đang sở hữu tài sản này. Điều đó tạo tâm lý thận trọng với bất động sản nghỉ dưỡng", ông Thắng nhận định.
Sau giai đoạn khó khăn của thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, các loại hình bất động sản có nhu cầu ở thực sẽ phục hồi trước tiên và bất động sản nghỉ dưỡng không nằm trong nhóm này.
"Giá trị của bất động sản nghỉ dưỡng là rất lớn, ngay cả việc cho thuê cũng gặp khó khăn, đặc biệt là các thành phố ven biển. Khi lượng cung cũng lớn thì thị trường cho thuê sẽ cạnh tranh về giá, dòng tiền cho thuê cũng không ổn định điều này gây ra trở ngại cho các nhà đầu tư nhỏ", ông Quốc Anh chia sẻ.
Ông Quốc Anh cũng nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng đến năm 2026 mới có thêm động lực phục hồi. Đây thường là phân khúc cuối cùng trong chu kỳ phục hồi của thị trường. Nguyên nhân bởi phân khúc này thường là bất động sản thứ 2 và đóng vai trò nghỉ dưỡng nên không thể bằng các phân khúc có nhu cầu ở thực, tích trữ.
"Đối với các doanh nghiệp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng năm 2025 vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần phải có những chiến lược để duy trì. Và từ đầu 2026 trở đi, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có tín hiệu tích cực. Mặc dù vậy, đối với nhà đầu tư trung và dài hạn thì đây là cơ hội mua các bất động sản nghỉ dưỡng ven biển với giá tốt", ông Quốc Anh đánh giá.