Nhà công vụ, nên bỏ với cấp thứ trưởng
Cần đưa chi phí nhà công vụ vào lương
Theo ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, câu chuyện về chính sách cho nhà công vụ đã được đưa ra bàn cách đây 20 năm trước. Đây là vấn đề đã được đặt ra và hiện nay trước bối cảnh cải cách tiền lương cũng nên đặt ra vấn đề này để bàn.
Ông Minh cho rằng, chúng ta đã tính toán đưa được chi phí về xe công vào lương của cán bộ công chức thì nhà công vụ cũng nên đưa vào. Cần phân biệt cán bộ đi công tác, biệt phái thời gian ngắn thì ở nhà công vụ theo đúng nghĩa. Khái niệm nhà công vụ chỉ áp dụng cho trường hợp ở ngắn hạn. Trước đây chúng ta đã duy trì chế độ phân nhà cho cán bộ rất bất hợp lý. Văn phòng các bộ, ngành phải lo đi xin đất, làm thủ tục xây dựng rồi lại chia nhau mất cả năm mới phân được nhà. Việc này rất phiền hà, nhiều nơi còn kiện cáo nhau.
Với nhà công vụ cũng vậy, theo ông Minh, chế độ về nhà cần đưa vào lương là hiệu quả nhất, tiện cho cả Nhà nước khi không phải duy trì quỹ nhà và cũng tiện cho cán bộ công chức có thể linh hoạt trong chọn nơi ở. Công chức có thể chọn căn nhà phù hợp với nhu cầu của mình. Cán bộ có thể thuê nhà 4 triệu đồng/tháng hoặc 10 triệu đồng/tháng.
“Nếu duy trì chế độ nhà công vụ như trước đây đã từng xảy ra tình trạng cả nể, nhiều khi đòi cũng khó, thậm chí mãi không đòi được nhà. Bây giờ chúng ta đã chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, chế độ chính sách, ưu đãi được tính vào lương của cán bộ công chức. Cán bộ có khó khăn về nhà ở, hỗ trợ cũng được đưa vào tiền lương. Tại các nước phát triển tiền nhà cũng được tính vào lương. Trong tiền lương đã có tiền ăn, ở, bảo hiểm… rồi”, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ đề xuất.
Đại diện Bộ Nội vụ cho hay, duy trì nhà công vụ sẽ tiếp tục phải nuôi bộ máy quản lý, sinh ra người đi xây, đi trát, bảo dưỡng, bảo trì…rất tốn kém. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu đề tài khoa học áp dụng quản trị doanh nghiệp trong quản trị cơ quan nhà nước. Trước mắt áp dụng trong đơn vị sự nghiệp nhằm khắc phục hạn chế về quản lý hiện nay.
Nên gương mẫu chấp hành trả nhà
Trao đổi với PV, một cán bộ phụ trách về quản lý công sản của thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy định, nhà công vụ chỉ sử dụng trong thời gian công tác, hết thời gian làm việc thì phải trả lại nhà. Hiện nay, không có chủ trương hóa giá nhà công vụ. Chủ trương hóa giá là trước năm 1992. Nhà công vụ chỉ duy trì với cấp thứ trưởng trở lên còn các đối tượng khác thì đã tính toán đưa tiền nhà vào lương, nếu không có nhà thì tự đi thuê.
Với Công an và Quốc phòng, quy định nhà công vụ theo tiêu chí riêng, nhiều nơi thực chất là doanh trại phục vụ chiến đấu chứ không phải là nhà công vụ như áp dụng cho cán bộ cấp thứ trưởng trở lên mà Bộ Xây dựng đang quản lý. Do vậy thống kê vừa qua của Bộ Xây dựng có thể đã bao gồm cả các loại nhà này.
“Chúng ta đang thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí thì cần nghiên cứu cải tiến chính sách về nhà công vụ, nên đưa tiền nhà vào lương kể cả cấp thứ trưởng trở lên. Lẽ ra các đồng chí lãnh đạo, dù là đã nghỉ hưu vẫn là cán bộ đảng viên phải gương mẫu chấp hành. Có thể chậm trả 2 tuần đến 1 tháng để thu xếp đồ đạc nhưng sau đó thì phải bàn giao ngay đằng này kéo dài cả năm thì dài quá”, vị cán bộ cho hay.
Một chuyên gia khác đặt vấn đề: “Nếu khó khăn mà phải ở tiếp vài năm vậy thì còn hàng triệu cán bộ công chức khác thì sao? Họ có được ở nhà công vụ ngày nào đâu? Họ cũng cống hiến làm việc cả đời đấy chứ. Lương của những cán bộ viên chức khác còn thấp hơn cấp thứ trưởng nhiều!”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, bên cạnh việc đổi mới chính sách nhà công vụ theo cách tính vào lương thì chính sách tiền lương cũng phải thay đổi nhiều. Giả sử một căn nhà công vụ hơn 100m2 nếu đi thuê có thể đến 15 triệu đồng/tháng thì tính vào lương làm sao cho đủ được số tiền này. Đây là một hạn chế cần cân nhắc. Nhiều người vẫn thích ở nhà công vụ vì có đầy đủ trang thiết bị, an ninh trật tự tốt hơn đi thuê.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, chúng ta đã chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, chế độ chính sách, ưu đãi được tính vào lương của cán bộ công chức. Cán bộ có khó khăn về nhà ở, hỗ trợ cũng được đưa vào tiền lương. Tại các nước phát triển tiền nhà cũng được tính vào lương. Trong tiền lương đã có tiền ăn, ở, bảo hiểm… rồi.
Theo Tuấn Minh
Tiền Phong