Nhà đầu tư rót 600 tỷ đồng vào Cocobay lo phá sản
Ông Mai Huy Tân, người từng là một trong những nhà sáng lập xúc xích Đức Việt, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức. Ông cho biết, năm 2016, thông qua doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng mua các sản phẩm của dự án nghỉ dưỡng Cocobay Đà Nẵng do Tập đoàn Empire phát triển.
Công ty ông mua 24 toà Boutique Hotel cao 7 tầng, giá 12-19 tỷ đồng, được cam kết lợi nhuận là 12,5% mỗi năm và 8 biệt thự có giá 24 tỷ đồng mỗi căn nằm trong khu Nam An, được cam kết lợi nhuận 10% mỗi năm. Ngoài ra còn 10 căn condotel có giá 1,3-1,4 tỷ đồng với mức cam kết được chủ đầu tư quảng cáo khi bán hàng là 12%.
Ông Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức - đơn vị đầu tư hơn 600 tỷ đồng mua các sản phẩm bất động sản tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Ảnh: NH |
Sau hơn 2 năm đi vào vận hành, Empire Group đã trả xấp xỉ 150 tỷ đồng thu nhập cam kết cho ông Tân và hiện còn thiếu 53,2 tỷ đồng của năm 2019. Tuy nhiên, ông Tân cho rằng chủ đầu tư lấy lý do vận hành thua lỗ dẫn tới không giữ được cam kết là vô lý. Bởi theo ông, có thể chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc vận hành condotel, song tình hình hoạt động khu biệt thự Nam An và Boutique Hotel lại khá tốt và Empire Group hoàn toàn có thể thực hiện đúng cam kết.
"Các biệt thự trong khu An Nam và Boutique Hotel với mức giá thuê 1.000 USD mỗi ngày luôn trong tình trạng kín khách. Chủ đầu tư cố tình lấy lý do khối condotel gặp khó khăn để phá vỡ cam kết ở hai khu còn lại", ông Tân nói.
Về trường hợp nhà đầu tư Mai Huy Tân, ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Empire Group cho biết sẽ trả toàn bộ tính đến ngày 31/12, như thông báo đã phát đi gần đây. Ông nói, trước khi công bố việc ngừng chi trả cam kết lợi nhuận, ông đã làm việc riêng với ông Tân với tư cách là một nhà đầu tư lớn vào dự án và thuyết phục ông Tân thanh lý hợp đồng để nhận lại toàn bộ số tiền 600 tỷ đồng đã đầu tư vào Cocobay.
Ông Thành cho rằng, với phương án này, nhà đầu tư có thể dùng một phần trả nợ ngân hàng, số còn dư chắc chắn vẫn bảo toàn được 200 tỷ ban đầu mà Công ty Nhịp cầu Việt Đức đã rót vào Cocobay, "không đến mức phá sản" như ông Tân lo ngại.
Theo lời ông Mai Huy Tân, ông mua Cocobay vì hai người bạn là ông Nguyễn Đức Thành (Chủ tịch Empire Group) và ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Ngân hàng SHB đến tận nhà để mời đầu tư. Cũng vì là bạn nên ông Tân tin tưởng vào những cam kết lợi nhuận của dự án.
Thế nhưng, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Thành lại khẳng định chính ông Mai Huy Tân mới là người đến tìm ông để xin được đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng thông qua một đại lý bán hàng. "Tôi có nói với ông Tân rằng với danh nghĩa là một người em quen biết từ lâu thì tôi cam kết rằng nếu đầu tư vào Cocobay thì ông sẽ không mất tiền, nếu mất tôi đền. Sau đó, ông Tân có nhờ tôi đưa lên gặp ông Hiển để xin vay vốn ngân hàng và cũng nhờ tôi tác động để được vay với lãi suất tốt nhất đến nỗi ngân hàng gần như không có lãi", ông Thành nói.
Nói với báo chí, ông Mai Huy Tân còn cho rằng Empire Group sử dụng vốn huy động dàn trải, thiếu tập trung dẫn đến khó khăn về dòng tiền cho toàn dự án. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thành cho biết, khi thu tiền của khách hàng, đơn vị này thực sự đã đầu tư xây dựng dự án, nên số tiền được sử dụng đúng mục đích.
Nêu nguy cơ phá sản, Giám đốc HĐQT Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức cũng nêu trách nhiệm của Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) - đơn vị ông vay tiền - trong việc tài trợ vốn và bảo lãnh tiến độ cho dự án.
Chia sẻ với VnExpress, với tư cách là đơn vị tài trợ vốn cho dự án, phía Ngân hàng SHB cho biết, theo Luật nhà ở, các dự án khi triển khai bán hàng phải được nhà băng bảo lãnh bàn giao nhà. SHB là ngân hàng bảo lãnh tiến độ bàn giao nhà của dự án này và đến nay các căn hộ đã được bàn giao theo đúng tiến độ của hợp đồng mua bán.
Đơn vị này cũng khẳng định, quyền kinh doanh là của chủ đầu tư. Thỏa thuận giữa Empire Group với khách hàng cũng như quyền kinh doanh của chủ đầu tư đều thực hiện theo Luật doanh nghiệp và Luật Dân sự. Do đó, theo đại diện SHB, việc giải quyết các vấn đề khúc mắc, các thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của hai bên. Tuy nhiên, đơn vị này cũng sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ giải quyết.
Nói thêm về lo ngại của ông Tân về khoản vay, ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Empire Group cho rằng, hợp đồng chủ đầu tư và khách hàng ký với nhau là hợp đồng dân sự. Do đó, nếu chủ đầu tư không còn cách nào thực hiện vì bất khả kháng hoặc những lý do về hiệu quả kinh doanh thì đơn vị này phải trả lại tiền cho khách hàng. Ông cũng cho rằng hiện các khách hàng chưa thiệt hại gì và chủ đầu tư có thể trả lại đủ tiền hoặc tài sản.
"Khởi kiện là điều tôi không mong xảy ra nhưng nếu có xảy ra thì tôi chấp nhận", ông Thành nói.
Tổ hợp nghỉ dưỡng và giải trí Cocobay có tổng diện tích 51 ha tại Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) được khởi động từ 5 năm trước với mức đầu tư dự kiến khoảng 5 tỷ USD. Có 1.807 người đã ký hợp đồng mua bán bị ảnh hưởng trực tiếp tại Cocobay sau khi chủ đầu tư tuyên bố dừng chi trả lợi nhuận với các shophouse, căn hộ khách sạn (condotel) từ đầu năm 2020 dù mới thực hiện hơn một phần tư thời hạn cam kết ban đầu. Ngoài ra còn những khách hàng khác hiện đã có thỏa thuận đặt mua.
Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết đã cho phép chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng chuyển 1.500 căn hộ khách sạn (condotel) đã và chưa xây dựng sang loại hình căn hộ chung cư.
Tuy nhiên, cơ quan này nhấn mạnh, UBND TP chỉ đạo, đối với các công trình đang xây dựng, chủ đầu tư phải thoả thuận cụ thể với khách hàng để làm cơ sở lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh, gửi Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng có ý kiến.
Đối với các công trình chưa xây dựng, chủ đầu tư tổ chức lập hồ sơ thiết kế, gửi Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định trước khi Sở Xây dựng cấp phép.
Bên cạnh đó, Empire Group phải đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân đến ở.
Nguyễn Hà