Nhà riêng quận Hoàn Kiếm vô địch về giá nhưng mức tăng thua xa vùng ven
Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản quý II/2019 của Batdongsan.com.vn cho thấy, nhìn chung, chỉ số giá bất động sản tại TPHCM tăng trưởng liên tiếp từ quý I/2018 đến nay. Đối với Hà Nội, chỉ số giá có xu hướng ổn định từ quý IV/2018.
Cụ thể, TPHCM tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi Hà Nội đạt mức tăng nhẹ 5,3% so với mức tăng 2,0% của cùng kỳ 2018.
Đáng chú ý, nhà riêng và nhà mặt phố là những kênh đầu tư được ưa chuộng bởi khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, tỉ suất sinh lời của 2 phân khúc này phụ thuộc vào đặc điểm, diễn biến của thị trường từng khu vực, gắn với các yếu tố địa lý, tốc độ phát triển kinh tế...
Riêng tại Hà Nội, số liệu tổng hợp cho thấy xu hướng tăng mạnh về giá nhà riêng tại các quận ngoài trung tâm so với các quận trong trung tâm. Cụ thể, giá nhà riêng tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ tăng từ 1% đến 7% trong giai đoạn 2015 – 2018.
Nhà riêng tại khu vực Hoàn Kiếm tiếp tục giữ ngôi vương với mức tăng khoảng 7-10%, từ 110 lên 120 triệu đồng/m2, các quận còn lại dao động từ 1-7%.
Trong khi đó, nhà riêng tại các quận ven và huyện ngoại thành luôn có mức tăng ấn tượng. Con số tăng trưởng này đối với các quận ngoài trung tâm như Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông đạt tới mức tăng từ 13% đến 16% trong giai đoạn 2015 – 2018.
Cụ thể, từ năm 2015 đến 2018, nhà riêng Bắc Từ Liêm tăng giá 16%, từ mức 60 triệu đồng/m2, tiệm cận gần 70 triệu đồng/m2, nhà riêng Long Biên tăng giá 13%, từ mức khoảng 55 triệu đồng/m2 lên mức gần 65 triệu đồng/m2.
Còn tại thời điểm quý II/2019, giá nhà riêng tại một số quận huyện như Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân và giá nhà mặt phố tại một số quận như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình có sự biến động nhẹ so với quý I/2019.
Về loại hình nhà phố, 7 quận nội thành trung tâm là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân đều tăng giá. Trong đó, Hoàn Kiếm có mức tăng trung bình cao nhất với 17%, từ khoảng giá 400 triệu đồng/m2 năm 2015, chạm mức 500 triệu đồng/m2 năm 2018. Trong khi đó, 6 quận còn lại, mức tăng dao động từ 7-15%.
Trong khi đó, tại khu ven Hà Nội gồm: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, mức tăng cao nhất của phân khúc nhà phố thuộc về Gia Lâm với mức tăng đạt khoảng 64%, từ khoảng giá 30 triệu đồng/m2 năm 2015 lên khoảng giá 60 triệu đồng/m2. Nhà mặt phố Bắc Từ Liêm, tăng giá từ 85 triệu đồng/m2 lên mức 100 triệu đồng/m2, tương đương mức tăng 19%.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, từ năm 2015 đến 2018, có thể thấy, giá nhà quận Hoàn Kiếm đang bỏ xa các quận khác trên địa bàn và đây cũng là quận có mức tăng giá mạnh nhất khu vực nội thành ở cả phân khúc nhà phố và nhà riêng.
"Nhà mặt phố, nhà riêng ở quận Hoàn Kiếm luôn chứng tỏ được giá trị của mình khi đây là trung tâm văn hóa, thương mại lớn nhất của thủ đô. Tuy nhiên, giá nhà riêng ở quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy có xu hướng ngang bằng với quận Hoàn Kiếm nguyên nhân là bởi nhà riêng các quận này sở hữu mặt ngõ vẫn có thể sử dụng làm kinh doanh trong khi ở quận Hoàn Kiếm thường hẹp, chật chội, không thích hợp với mục đích kinh doanh", ông nói thêm.
Ngoài ra, theo ông Quốc Anh, trung bình giá nhà mặt phố thường đắt hơn từ 1,5-2,5 lần giá nhà riêng trong cùng 1 quận. Sự chênh lệch này cao nhất tại quận Hoàn Kiếm. Trong quý 2, nhà mặt phố bán và cho thuê có sự tăng nhẹ ở các quận chính, trong khi giá nhà riêng có sự giao động nhẹ tại nhiều quận/huyện.
Phương Dung