Nhà tái định cư ở Hà Nội: Xuống cấp, nhếch nhác, ô nhiễm đến bao giờ?

Nhà tái định cư ở Hà Nội: Xuống cấp, nhếch nhác, ô nhiễm đến bao giờ? - 1

Ba tòa nhà tái định cư ở quận Long Biên, Hà Nội bị đề xuất phá bỏ đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Lê Quân

Theo ghi nhận của PV tại một số khu tái định cư như Nam Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính, Đồng Tàu, Đền Lừ, Long Biên, Việt Hưng, Láng Thượng, Chùa Láng, khu tái định cư TP giao lưu (quận Bắc Từ Liêm)... đều xuất hiện tình trạng sụt lún, hệ thống PCCC gần như tê liệt, chất thải xả thẳng ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm nghiêm trọng, hàng quán bán đồ ăn lấn chiếm toàn bộ khu vực tầng 1...

Các chuyên gia xây dựng cho rằng, các chung cư tái định cư của Hà Nội rất khó chấp nhận về chất lượng công trình xây dựng và quản lý đô thị. Bởi lẽ các từ tòa nhà tái định cư mới được đưa vào sử dụng khoảng từ 5 - 8 năm nhưng đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Các hạng mục như hệ thống cấp, thoát nước, trần nhà, tường thấm dột, khu vệ sinh ứ tắc, gạch lát bong tróc,... đều xuống cấp, dân kiến nghị sửa chữa nhưng không được cơ quan, ban ngành nào quan tâm xử lý. Nhiều khu tái định cư người dân phải chịu đựng cả chục năm trời.

Anh Thành Lộc - người dân tại chung cư tái định cư Láng Thượng cho biết, từ ngày đầu tiên bàn giao nhà cho đến nay, dân chưa thấy Ban quản lý tòa nhà tập huấn hay diễn tập công tác PCCC. “Cả tòa nhà chỉ thấy có một bình cứu hỏa đặt ở phòng bảo vệ” - anh Lộc cho hay.

Nhiều khu vực nhà tái định cư khác mà chúng tôi khảo sát như Đền Lừ, Đồng Tàu, Xa La, Nam Trung Yên, Thanh Xuân... cũng trong tình trạng tương tự. Hệ thống báo cháy đều hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Tất cả 10 tòa nhà ở đây đều bị sụt lún, tạo nên những hố nguy hiểm gây bất an cho dân cư sống trong tòa nhà.

Trước thực trạng trên, đại diện Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị được giao quản lý, vận hành nhà tái định cư) cho rằng, do bất cập về chính sách đến thực tế. Hơn nữa, nhiều hạng mục không nằm trong danh sách được hỗ trợ, sửa chữa theo Nghị định 99 của Chính phủ.

“Theo Nghị định 99 của Chính phủ hướng dẫn Luật Nhà ở, 6 hạng mục được bảo trì là thang máy, máy bơm nước sinh hoạt, hệ thống phòng cháy chữa cháy, máy phát điện, hệ thống chống sét, mặt ngoài tòa nhà. Cty chỉ có trách nhiệm tập hợp ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân kèm theo dự toán để báo cáo Sở Xây dựng xem xét quyết định. Nhiều hạng mục cần sửa chữa vượt quá thẩm quyền của Cty” - vị này thông tin.

Trước tình trạng còn gần 1.000 căn hộ tái định cư bị bỏ trống, một số chuyên gia về xây dựng cho biết, để giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập trong đầu tư xây dựng, quản lý quỹ nhà tái định cư, bên cạnh việc xử lý những vấn đề liên quan chất lượng xây dựng, kinh phí duy tu, bảo dưỡng... việc xây dựng nhà tái định cư phải gắn với các công trình dịch vụ công cộng, khuyến khích người dân nhận đền bù bằng tiền để tự lựa chọn ngôi nhà mình ở. Đặc biệt nhà tái định cư cũng nên coi là sản phẩm hàng hoá phải được đưa ra thị trường mới đánh giá được đúng chất lượng và nên thực hiện theo phương thức xã hội hoá, nếu không các khu tái định cư sẽ không khác gì các khu tập thể cũ đã đưa vào sử dụng từ 50 - 60 năm trước.

Một chuyên gia bất động sản cho rằng, xét về mặt trách nhiệm, đương nhiên nhà thầu phải có nghĩa vụ đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng theo đúng quy định của Luật Xây dựng. Tuy nhiên, điều khiến nhiều dự án nhà tái định cư kém chất lượng nằm ở chỗ, nạn ăn gian, ăn bớt đã mang tính hệ thống. Nếu chủ đầu tư có trách nhiệm, có sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đúng quy trình và đảm bảo nguyên liệu, vật tư được đánh giá, kiểm định chính xác thì không ai có thể ăn bớt được.

“Chất lượng nhà tái định cư kém là nguyên nhân chủ yếu nhưng không phải là tất cả. Chính bởi có giai đoạn nhà tái định cư được thực hiện như dự án ngân sách nên tính hiệu quả của việc phát triển các dự án nhà tái định cư không được quan tâm, nghiên cứu cẩn thận, dẫn đến tình trạng nhà tái định cư không phù hợp với nhu cầu của người dân, dân chê không đến ở” - vị này nói. Q.H


Theo: Châu An

Lao động 

Nhà tái định cư ở Hà Nội: Xuống cấp, nhếch nhác, ô nhiễm đến bao giờ? - 2