Nhan nhản quy hoạch treo: Thu hồi dự án chậm tiến độ, xử lý cán bộ gây ách tắc
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương về vấn đề quy hoạch treo.
Theo cử tri Bình Dương, quy hoạch treo gây lãng phí tài nguyên đất, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Do vậy, cử tri đề nghị trong công tác quy hoạch cần chú trọng đặc biệt tới nguồn lực thực hiện, tránh trường hợp nguồn lực không đảm bảo. Bên cạnh đó, trong quy hoạch nên chú trọng quy hoạch trung hạn, hạn chế quy hoạch dài hạn đảm bảo tính khả thi.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết “quy hoạch treo” được hiểu là loại quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung quy hoạch.
“Đây cũng là hiện tượng không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi hợp pháp, cuộc sống người dân như đại biểu đã nêu mà còn gây lãng phí tài nguyên, giảm hiệu quả, chất lượng của đô thị và gây bức xúc trong xã hội”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Theo cơ quan này, thời gian qua Bộ Xây dựng đã có Báo cáo gửi Đoàn Giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Trong đó, Bộ Xây dựng đã xác định rõ các bất cập, trong đó có các bất cập như phản ánh của cử tri tỉnh Bình Dương và đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục cụ thể.
Để hạn chế tình trạng “quy hoạch treo”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh đến yếu tố “phối hợp đồng bộ” giữa bộ, ngành và chính quyền các địa phương.
Theo đó, trước hết cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; Tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư, nhà đầu tư trong quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch; thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tăng cường thẩm tra năng lực chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, năng lực quản lý; tổ chức tư vấn đối với chất lượng quy hoạch; Đẩy mạnh việc kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại cho nhà đầu tư, Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
Còn về phía chính quyền các địa phương, Bộ cho rằng cần rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định; Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị; Xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị;
Cụ thể hóa các quy định các văn bản pháp luật phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương trong việc tham gia của cộng đồng dân cư; việc giám sát của người dân và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương; phố biến và tuyên truyền sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện quy hoạch;
Đặc biệt theo Bộ Xây dựng cần kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch.
Hiện nay các dự án “treo” nhan nhản khắp từ Bắc tới Nam – đặc biệt cả những nơi đất đai được ví như “vàng” như Hà Nội, TP.HCM.
Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ cũng “muôn hình, muôn vẻ” như chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm); thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, nếu cứ theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì thua lỗ; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…
Theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít.
Trong văn bản hồi đáp ý kiến cử tri mới đây, UBND Thành phố Hà Nội cho biết trong tổng danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn Thành phố, đến nay đã chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án.
Như vậy, riêng ở Hà Nội còn tới hơn 300 dự án “treo” rải khắp thủ đô khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, lãng phí tài nguyên đất…
Nguyễn Mạnh