Nhiều dự án KCN bỏ hoang im lìm, bất chấp mọi làn sóng thu hút “đại bàng"

Khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh quá trình đa dạng hoá địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid - 19, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội nhất để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trở nên sôi động. Báo cáo của nhiều tổ chức bất động sản công bố cho thấy, liên tục từ đầu năm 2020 đến nay với sự gia tăng yêu cầu thuê đất và nhà máy từ cả khách thuê hiện hữu lẫn khách thuê mới. Các báo cáo cho thấy, giá đất khu công nghiệp liên tục tăng.

Nhiều dự án KCN bỏ hoang im lìm, bất chấp mọi làn sóng thu hút “đại bàng - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Hình minh hoạ.

Các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, bất động sản công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất trong giai đoạn tới với kỳ vọng vào việc đón làn sóng dịch chuyển.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, không ít khu công nghiệp “treo", lãng phí tài nguyên, gây ảnh hưởng đời sống nhân dân xung quanh. Vấn đề này được phản ánh trong kiến nghị cử tri được gửi tới UBND Thành phố.

Cụ thể, cử tri đã đề nghị Thành phố chủ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng khu công nghiệp Quang Minh II do Công ty TNHH Đầu tư Hợp Quần làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích 266 ha tại các xã, thị trấn: Kim Hoa, Quang Minh, Chi Đông.

Theo phản ánh của cử tri, đến nay, sau 15 năm dự án vẫn chưa được triển khai, gây lãng phí tài nguyên đất và bức xúc trong nhân dân.

Trả lời vấn đề này, UBND TP. Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được hồ sơ đề xuất, giải quyết các nội dung liên quan đến dự án này nên không có cơ sở tham mưu, đề xuất UBND TP trả lời kiến nghị cử tri, đề nghị UBND TP xem xét chỉ đạo.

Một dự án khu công nghiệp cũng được cử tri phản ánh, đó là Dự án khu công nghiệp Phụng Hiệp. Dự án đã có chủ trương đầu tư xây dựng nhưng thời gian kéo dài chưa đầu tư xây dựng. Cử tri đã để nghị TP sớm có kế hoạch, lộ trình thực hiện rõ ràng.

Liên quan đến dự án này, UBND TP. Hà Nội cho biết, khu công nghiệp Phụng Hiệp do Công ty CP Simco Sông Đà được giao làm chủ đầu tư, diện tích 175ha. Do quá trình sáp nhập địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và Hà Nội nên dự án cũng phải dừng triển khai để chờ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ Đô và quy hoạch chung xây dựng Thường Tín.

Theo quy hoạch chung, khu công nghiệp Phụng Hiệp vẫn được quy hoạch phát triển khu công nghiệp đủ điều kiện để tiếp tục triển khai đầu tư. Tuy nhiên, Simco Sông Đà không có các bước chuyển công việc cụ thể trong triển khai dự án, không thực hiện tiến độ cam kết và năng lực tài chính không đáp ứng theo quy định.

Tháng 1/2019, Ban quản lý đã có văn bản báo cáo và đề xuất UBND TP về việc chấm dứt hoạt động dự án, UBND TP đã có văn bản đồng ý, giao Ban quản lý tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án.

Ngoài ra, cử tri cũng phản ánh cụm công nghiệp Cam Thượng được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt từ năm 2002, tuy nhiên đến nay có 1 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên, 1 doanh nghiệp hoạt động không thường xuyên và nhiều doanh nghiệp chưa triển khai thực hiện. Cử tri đã đề nghị Thành phố thu hồi đất của những đơn vị không thực hiện và kêu gọi đầu tư phát triển cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Về dự án này, UBND TP cho biết, cụm công nghiệp Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội được thành lập với quy mô gần 16ha.

Theo UBND TP. Hà Nội, theo quy định của Luật Đất đai, đất được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được quá hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng.

UBND TP đã đề nghị UBND huyện Ba Vì chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, kiểm tra, báo cáo, tham mưu biện pháp xử lý.

Nguyễn Mạnh