Nhiều kiến nghị tạo cơ chế phát triển nhà ở xã hội cho người lao động

Quy định mới hỗ trợ việc phát triển nhà ở xã hội

TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước với khoảng hơn 5 triệu lao động. Với lượng dân nhập cư đông, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ là yêu cầu được đặt lên hàng đầu để đáp ứng nhu cầu của người dân và an sinh xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, tại tọa đàm "Nhà ở xã hội: Đột phá từ chính sách mới" do Báo Người Lao Động tổ chức, các lãnh đạo, chuyên gia đã đưa ra những chính sách mới, đề xuất giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi phát triển các dự án cũng như tăng nguồn cung và đối tượng thụ hưởng dễ tiếp cận nhà ở xã hội hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, trong chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030 và đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2030, thành phố dự kiến phát triển khoảng 69.700-93.000 căn nhà ở xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến phát triển 26.200 đến 35.000 căn.

Về kết quả thực hiện, gần 5 năm qua, thành phố đã hoàn thành 6 dự án (5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân) với quy mô 2.745 căn hộ và đang thi công 4 dự án với gần 3.000 căn hộ. Lãnh đạo TP.HCM đánh giá kết quả phát triển nhà ở xã hội còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), thông tin hiện nay việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội (NOXH) đang đối mặt với 5 khó khăn, thách thức chính: Cơ chế chính sách, lợi nhuận định mức, chính sách hỗ trợ lãi suất tại TP.HCM, thủ tục đầu tư phức tạp, phê duyệt giá mua và vốn đối ứng.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thu Hà - Phó Trưởng phòng Nhà ở Xã hội, Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản cho biết chính sách về nhà ở thời gian qua đã có nhiều thay đổi. Trong đó, nhiều điểm mới, có lợi cho việc phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất và không cần thực hiện thủ tục xác định giá đất. Họ còn được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% trên diện tích xây dựng nhà ở xã hội và ưu đãi tối đa 20% tổng diện tích đất hoặc sàn xây dựng để phát triển công trình thương mại. Những thay đổi này nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia, tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Đáng chú ý, Luật Nhà ở 2023 đã bãi bỏ điều kiện cư trú khi mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội; đối với trường hợp thuê, chỉ yêu cầu đúng đối tượng, không cần đáp ứng điều kiện về nhà ở hay thu nhập.

Điều kiện về thu nhập cũng được nới lỏng. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ cũng có đột phá. Chủ đầu tư được vay vốn từ ngân hàng, còn người dân không chỉ được vay để sửa chữa mà còn để mua nhà ở xã hội, giúp thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực này. Phó Trưởng phòng Nhà ở Xã hội, Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản kỳ vọng Quốc hội sớm thông qua nghị quyết giám sát về nhà ở xã hội để đẩy mạnh phát triển.

Cùng quan điểm, TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cho rằng nhiều luật và bộ luật mới ban hành đã có các giải pháp mang tính đột phá, gỡ bỏ nhiều vướng mắc về cơ chế, thuế và lãi suất để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp.

Theo đó, chính quyền TP.HCM đã triển khai thêm các chính sách hỗ trợ đối với người mua nhà ở xã hội. Các hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ một phần kinh phí mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, với mức hỗ trợ dao động từ 30 đến 90 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng đề xuất các giải pháp như phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh trung tâm TP.HCM nhằm giảm giá thành nhà ở xã hội, tạo thêm cơ hội cho người thu nhập thấp. Đồng thời, việc kết hợp triển khai mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết giao thông công cộng) sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho dân cư tại các khu vực này.

Doanh nghiệp cần nhiều cơ chế để phát triển nhà ở xã hội

Tại buổi toạ đàm, ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng dù chính sách và cơ chế tín dụng đã có những cải thiện đáng kể, việc triển khai trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được kỳ vọng.

"Chúng tôi mong các cơ quan chức năng đẩy nhanh quá trình xét duyệt thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ đầu tư trong việc tiếp cận quỹ đất. Sự linh hoạt này sẽ giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục, qua đó giảm đáng kể chi phí đầu tư cho dự án", ông Dũng cho hay.

Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Hoàng Quân Group cho biết với kinh nghiệm phát triển ngân hàng nhà ở xã hội tại TP.HCM, doanh nghiệp kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ hồi tố, chẳng hạn như giữ mức lãi suất ưu đãi 4,8% cho vay đối với người mua nhà ở xã hội, tương tự như trước đây. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt gánh nặng tài chính khi tham gia vào chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Theo ông Tuấn, trong bối cảnh quỹ đất của TP.HCM hạn chế, cần có cơ chế đặc thù cho các chủ đầu tư đã sở hữu quỹ đất sạch. Nếu giá đất đã được tính thuế, cần đưa phần chi phí này vào giá thành căn hộ để đảm bảo giá hợp lý cho người lao động.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, vẫn tồn tại ba vấn đề lớn không khuyến khích nhà đầu tư. Thứ nhất, lợi nhuận giới hạn ở mức 10% là quá thấp khi thủ tục kéo dài đến 5 năm, giai đoạn đầu tư mất thêm 2 năm. Thứ hai, thủ tục xin làm ở xã hội còn phức tạp hơn so với nhà ở thương mại. Thứ ba, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra và kiểm tra khiến doanh nghiệp gặp nhiều áp lực.

"Các doanh nghiệp mong muốn có những quy định rõ ràng hơn để triển khai thuận lợi, đồng thời tránh phát sinh bất cập giữa luật cũ và luật mới trong khâu hậu kiểm. Riêng về vốn tín dụng, hiện các ngân hàng đã hỗ trợ cho vay rất tốt nhưng vấn đề nằm ở chỗ thủ tục dự án có được phê duyệt hay không", ông Nghĩa chia sẻ.