Nhiều mặt bằng đường Vành đai 3 còn vướng, TP.Thủ Đức xử lý thế nào?
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM có tổng chiều dài 47,3km đi qua 4 địa phương với tổng mức đầu tư 41.317 tỷ đồng.
Dự án có 10 gói thầu xây lắp chính, trong đó 4 gói thầu khởi công 2023 và 6 gói thầu khởi công 2024; hiện 10 gói thầu đang trong giai đoạn tăng tốc thi công, tiến độ toàn tuyến đạt khoảng 30%. Tuy nhiên, dự án vẫn còn khoảng 1% mặt bằng chưa được bàn giao gây khó khăn cho nhà thầu trong việc thi công.
Mới đây, ông Mai Hữu Quyết, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức đã chủ trì cuộc họp để giải quyết mặt bằng còn vướng theo hướng dẫn của Sở Xây dựng TP.HCM. Hiện TP Thủ Đức đang vướng mặt bằng của 5 trường hợp.
Cụ thể, với hộ dân Nguyễn Hữu Tài - Dương Văn Thọ (phường Long Bình), lãnh đạo UBND TP Thủ Đức đề nghị Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng phối hợp UBND phường Long Bình khẩn trương tiếp xúc và hoàn thiện hồ sơ, trình UBND TP Thủ Đức ban hành Quyết định chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ. Đồng thời, tiếp tục vận động hộ dân đồng thuận bàn giao trước một phần mặt bằng trong ranh dự án Vành đai 3 để đảm bảo tiến độ thi công dự án.
Đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Kiều Lam, UBND phường Long Bình tiếp tục theo dõi, vận động hộ dân bàn giao toàn bộ mặt bằng trong dự án Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc trước ngày 15/2.
Trường hợp hộ dân Nguyễn Thanh Tùng, lãnh đạo UBND TP Thủ Đức giao Thanh tra Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND phường Long Bình và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
Đối với 4 hồ sơ trong ranh dự án của Công ty Cổ phần Thành phố Xanh (có một phần trong dự án Vành đai 3), lãnh đạo UBND TP Thủ Đức giao Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, chuyển Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất trong tháng 1/2025. Trên cơ sở đó, giao Thanh tra Xây dựng tham mưu kế hoạch thực hiện cưỡng chế đối với 4 trường hợp này.
Thời gian dự kiến cưỡng chế trong tháng 3/2025.
Lãnh đạo UBND TP Thủ Đức yêu cầu, với các hồ sơ phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng phải chuyển đầy đủ hồ sơ cho Phòng Tư pháp rà soát kỹ pháp lý, đảm bảo đúng quy định trước khi tổ chức cưỡng chế.
Riêng trường hợp ông Nguyễn Văn Dũng (hộ dân mua nhà thuộc sở hữu nhà nước đang bị vướng trong việc tính toán phần diện tích vượt hạn mức), lãnh đạo UBND TP Thủ Đức giao Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thuê đơn vị tư vấn để thẩm định giá phần đất vượt hạn mức; thời điểm định giá được xác định theo thời điểm hộ dân có đơn đăng ký mua nhà này.
Trên cơ sở kết quả thẩm định giá và hồ sơ do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng cung cấp, giao Phòng Quy hoạch - Xây dựng tham mưu UBND TP Thủ Đức văn bản kiến nghị UBND TP.HCM xem xét chấp thuận.
Ngoài TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh cũng đang vướng mặt bằng ở khu đất rộng hơn 2.600m2 (cây xăng). Đến nay, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh đã có văn bản về phương án cưỡng chế gửi Sở Công Thương. Dự kiến trong tháng 1/2025, sau khi Sở Công Thương đồng ý phương án, đơn vị sẽ triển khai cưỡng chế để thu hồi mặt bằng, giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án.