Nợ xấu ngân hàng gia tăng
Theo ông Đào Minh Tú, nợ xấu ngành ngân hàng hiện đang có xu hướng tăng. Tỷ lệ nợ nội bảng ở mức 5%, còn tính chung các khoản nợ bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), nợ tiềm ẩn… vào khoảng 6,9%. Ông Tú nhấn mạnh, các tổ chức tín dụng (TCTD) có trách nhiệm thu hồi nợ, tuy nhiên doanh nghiệp cũng có trách nhiệm trả nợ.
Dù vậy, ông Đào Minh Tú cũng cho rằng, các TCTD cũng nên tập trung tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp , nền kinh tế tăng trưởng. Tính đến 28.6, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình tín dụng như chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…
Về tỷ giá , Phó thống đốc nói, đây là một vấn đề lớn, phức tạp trong quá trình điều hành thời gian qua. Tỷ giá có quan hệ tổng hòa với nhiều yếu tố vĩ mô về lãi suất, cung tiền, tác động từ các nền kinh tế lớn, tâm lý thị trường. Mức mất giá vào khoảng 4,4% của VNĐ so với USD, thấp hơn so với nhiều nước, có nước mất tới 7%, 11%. "Chúng ta không thể căng cứng, cố định tỷ giá trong bối cảnh như vậy. Chúng ta điều hành tỷ giá sao cho hài hoà, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ", ông Tú nói.
Từ nay đến cuối năm, ông Đào Minh Tú cho biết NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng . Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp , người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…