Novaland giải trình về bất ngờ báo chuyển lãi thành lỗ hơn 7.000 tỷ đồng sau kiểm toán

Sau kiểm toán, đang lãi thành lỗ, Novaland nói gì?

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 vừa công bố, Novaland bất ngờ ghi nhận lỗ 7.327 tỷ đồng trong khi báo cáo tài chính tự lập lãi hơn 345 tỷ đồng.

Theo biên bản giải trình, lãnh đạo Novaland cho biết: Nguyên nhân chủ yếu đến từ khoản trích lập dự phòng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phải nộp tính theo phương án giá đất năm 2017 của dự án hơn 30 ha Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM (dự án Lakeview City - chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21), dựa trên thông báo của cơ quan thuế ngày 8/1/2021.

Tuy nhiên, Novaland không đồng tình với việc xác định thời điểm tính tiền sử dụng đất là tháng 4/2017 do đã hoàn tất đền bù năm 2008. Đồng thời, theo quy định, khi Nhà nước thu hồi đất thì phải bồi thường bằng đất có giá trị tương đương.

Novaland tin có đủ cơ sở xác định thời điểm tính giá đất hoán đổi cho dự án Lakeview City là năm 2008. Hiện, Novaland đang tiếp tục kiến nghị đến UBND TP. HCM cùng các sở, ban, ngành để xem xét xử lý thấu đáo. Khoản giá trị đã trích lập dự phòng này sẽ được điều chỉnh và thực hiện hoàn nhập khi đủ điều kiện.

Tại ngày phát hành Báo cáo tài chính soát xét, Cục thuế TP. HCM và Cục thuế TP. Thủ Đức đã ra văn bản chấm dứt hiệu lực quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế để chờ kết quả giải quyết về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài việc phải trích lập dự phòng thêm, Novaland phải giảm thêm 3.046 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế do kiểm đoán đề nghị điều chỉnh hoạt động tài chính 2.991 tỷ đồng và thu nhập khác 55 tỷ đồng vi phạm hợp đồng phát sinh trong kỳ nhưng chưa thu được tiền tính đến hết ngày 30/6. Các khoản này sẽ được ghi nhận khi hoàn tất thu tiền. Tại ngày phát hành BCTC, các khoản này đã được thu hồi hoàn tất.

Novaland còn bị giảm 268 tỷ đồng lợi nhuận nữa do trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và điều chỉnh tăng giảm các khoản phí khác.

Novaland đang kinh doanh ra sao?

Điểm lại giai đoạn từ năm 2020 tới nay, Novaland ghi nhận doanh thu còn khó khăn. Chẳng hạn như năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng nhưng bước sang năm 2021, mức doanh thu này bất ngờ tăng tới gần 3 lần lên hơn 14.900 tỷ đồng. Nhưng ngay sau đó, từ năm 2022, doanh thu liên tục giảm xuống còn 11.134 tỷ đồng và 4.757 tỷ đồng (năm 2023).

Bên cạnh đó, Novaland cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 4 năm qua theo xu hướng đi xuống. Cụ thể, trong năm 2020, công ty báo lãi hơn 3.900 tỷ đồng nhưng sau đó, từ 2021 tới nay, lợi nhuận này lần lượt giảm xuống còn 3.454 tỷ đồng; năm 2022 đạt 2.181 tỷ đồng và hơn 485 tỷ đồng trong năm 2023.

Novaland có tổng nợ tài chính hơn 59.000 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay chỉ 150 tỷ đồng

Tại Novaland, nợ thường xuyên là vấn đề quan trọng trong nỗ lực tái cấu trúc của công ty trong hơn một năm qua.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng nợ vay tài chính của công ty có hơn 59.200 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính ngắn hạn có gần 30.500 tỷ đồng và nợ vay dài hạn có hơn 28.700 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nợ vay, Novaland còn nợ trái phiếu hơn 38.600 tỷ đồng, bao gồm hơn 16.400 tỷ đồng nợ trái phiếu ngắn hạn và hơn 22.200 tỷ đồng nợ trái phiếu dài hạn. Tổng vay nợ ngân hàng là 10.700 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn hơn 6.000 tỷ đồng. Số còn lại là tiền vay bên thứ ba, hơn 10.000 tỷ đồng.

Mặc dù nợ vay lớn nhưng chi phí lãi vay của Novaland lại rất thấp. Tổng chi phí tài chính trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 3.100 tỷ đồng, tăng mạnh 84% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, chi phí lãi vay chỉ ở mức dưới 150 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước. Con số này là rất nhỏ so với tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên đến 59.200 tỷ đồng.