Ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc gợi ý chi 300.000 USD để can thiệp phê duyệt dự án
"Xong việc đưa chú 300.000 USD "
Cụ thể, theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thái Bình, năm 2020, anh Nguyễn Thế Mạnh, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mạnh Đức, cùng một đối tác chung vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Quế Võ 3 tại tỉnh Bắc Ninh .
Sau khi hồ sơ dự án được phê duyệt, một số công ty khác đã gửi kiến nghị, làm thời gian triển khai bị kéo dài. Anh Mạnh cùng đối tác tìm đến Nguyễn Văn Đức nhờ hỗ trợ. Anh Đức cho biết sẽ nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng giúp đỡ.
Sáng 15/3/2021, Đức cùng Mạnh đến gặp ông Nhưỡng tại phòng làm việc ở tầng 4, trụ sở Ban Dân nguyện . Tại đây, họ đề nghị ông Nhưỡng can thiệp để dự án sớm được phê duyệt. Ông Nhưỡng đồng ý và hướng dẫn anh Mạnh làm đơn kêu cứu khẩn cấp, kèm theo hồ sơ dự án , gửi ngay trong buổi chiều cùng ngày.
Ngày 26/3/2021, anh Đức biết việc Công ty Mạnh Đức được phê duyệt thực hiện dự án Quế Võ 3 liền gọi điện, nhắn tin cảm ơn ông Nhưỡng.
Chiều cùng ngày, Mạnh nhận được thông tin rằng một bộ trưởng đang được tham mưu về việc trình cấp trên xem xét thu hồi dự án vừa được phê duyệt do có đơn thư khiếu nại. Lo lắng, Mạnh chia sẻ với Đức, nhờ ông gọi điện nhờ ông Nhưỡng tiếp tục can thiệp.
Tại phòng làm việc ở Ban Dân nguyện, ông Nhưỡng đồng ý giúp đỡ và yêu cầu ông Mạnh nộp đơn kêu cứu khẩn cấp kèm hồ sơ dự án . Sau khi nhận tài liệu, ông Nhưỡng đã ký phiếu chuyển đơn với tư cách đại biểu Quốc hội, gửi các lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xem xét.
Sau khi viết xong phiếu chuyển, ông Nhưỡng nói nhỏ: "Xong việc đưa chú 300.000 USD". Khi rời khỏi phòng, ông Mạnh đã bày tỏ sự bất ngờ và than phiền với Đức rằng “giá mặn quá” nhưng vẫn đồng ý cân nhắc.
Vẫn theo cáo trạng, nhóm Đức và Mạnh lo ngại nếu không đưa tiền, ông Nhưỡng có thể gây cản trở việc triển khai dự án . Vì vậy, họ đã thống nhất chuẩn bị tiền để đưa cho ông Nhưỡng. Tối 29/3/2021, Đức nhận 300.000 USD trong một túi vải màu đen từ nhóm Mạnh, sau đó mang đến nhà ông Nhưỡng. Tại đây, Đức trao túi tiền và nói, "quà anh Mạnh gửi". Ông Nhưỡng nhận túi tiền, cất vào tủ, rồi tiếp tục ngồi trò chuyện thêm một lúc.
Nhận đất để "chống lưng" cho doanh nghiệp
Cũng theo cáo trạng, năm 2019, ông Nhưỡng cũng bị cáo buộc nhận lợi ích từ Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Hạ Long trong một dự án tại Quảng Ninh. Doanh nghiệp này hứa tặng ông Nhưỡng một lô đất 491m² tại Đông Anh, Hà Nội, trị giá 1,8 tỷ đồng, cùng quyền lợi thêm 1.000m² đất tại dự án 36 ha nếu việc can thiệp thành công. Sau khi nhận đất, ông Nhưỡng đã ký nhiều văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, sử dụng danh nghĩa đại biểu Quốc hội để gây áp lực. Tuy nhiên, dự án sau đó không được phê duyệt.
Ngoài các vụ việc trên, ông Nhưỡng còn bị cáo buộc can thiệp vào nhiều dự án khác, nhận hàng trăm triệu đồng tiền mặt và quà cáp giá trị. Trong quá trình điều tra, ông Nhưỡng thừa nhận hành vi ký văn bản, gọi điện can thiệp nhưng phủ nhận các cáo buộc về việc cưỡng đoạt tài sản và cho rằng khoản tiền 300.000 USD là "do doanh nghiệp tự đưa”.
Với các cáo buộc trên, ông Nhưỡng bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
'Can thiệp' tòa án bất thành
Vẫn theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thái Bình, ông Nhưỡng còn can thiệp vào một vụ án tranh chấp đất đai tại Hải Phòng, đồng thời nhận lợi ích vật chất là một bộ cánh cổng gỗ trị giá 75 triệu đồng.
Vụ án liên quan đến tranh chấp khu đất tại thôn Đông Nhà Thờ (xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) giữa ông Vũ Văn Khiến và anh Bùi Văn Thao. Sau khi TAND huyện Thủy Nguyên xét xử sơ thẩm, tuyên buộc vợ chồng anh Thao phải trả đất cho ông Khiến, anh Thao đã tìm cách nhờ cậy ông Nhưỡng can thiệp vào phiên tòa phúc thẩm với mong muốn giữ lại mảnh đất.
Do có mối quan hệ với ông Nhưỡng thông qua ông Phạm Minh Cường (bị can trong cùng vụ án, thường gọi là Cường "quắt", có 3 tiền án), anh Thao đã đề nghị ông Nhưỡng can thiệp, đồng thời hứa cảm ơn bằng việc cắt 100m² đất trị giá khoảng 160 triệu đồng từ mảnh đất tranh chấp .
Biết ông Nhưỡng đang xây dựng nhà thờ tại Thái Bình, Cường đã biếu ông một bộ cánh cổng gỗ lim trị giá 75 triệu đồng nhằm 'thúc đẩy' ông Nhưỡng "nhiệt tình hơn". Bộ cánh cổng này được lắp đặt tại nhà thờ của ông Nhưỡng.
Ngày 14/12/2020, ông Nhưỡng ký văn bản với tư cách đại biểu Quốc hội gửi các cơ quan tư pháp Hải Phòng, đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án để xác minh các tố cáo liên quan. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Hải Phòng khẳng định không có căn cứ xử lý tố cáo của anh Thao.
Ngày 24/6/2021, TAND TP Hải Phòng xử phúc thẩm, giữ nguyên phán quyết sơ thẩm, buộc anh Thao trả lại đất cho ông Khiến. Sau nhiều lần tiếp tục gửi đơn tố cáo và kiến nghị nhưng không đạt kết quả, anh Thao quyết định không thực hiện theo hướng dẫn của ông Nhưỡng.