'Phát triển chuỗi cung ứng xanh là bắt buộc, là chuyện ngay bây giờ'

Theo khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI ), chuyển đổi chuỗi cung ứng , chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm, dành nhiều ưu tiên.

Quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm: thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải…

Khi các mắt xích đó đều "xanh" thì doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành; đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.

"Phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm", ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch VCCI , nhấn mạnh khi phát biểu tại tọa đàm "Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025" diễn ra chiều 9.7, tại Hà Nội.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cũng cho rằng: "Với ngành logistics , xanh hóa không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp.

Thậm chí, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp logistics lớn như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết.

Phát triển chuỗi cung ứng xanh không còn là câu chuyện của tương lai, mà phải là ngay bây giờ, không còn là lựa chọn mà là sự bắt buộc. Phát triển chuỗi cung ứng xanh cũng chính là sự thay đổi cần thiết, gắn liền với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% (Net Zero) mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26".

Đề xuất thêm chính sách thúc đẩy phát triển logistics xanh

Từ góc độ hiệp hội, ngành hàng, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết xuất khẩu gỗ hiện đã vươn đến 170 thị trường trên thế giới. 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của ngành gỗ là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu.

'Phát triển chuỗi cung ứng xanh là bắt buộc, là chuyện ngay bây giờ' - Ảnh 1

VCCI đề xuất Chính phủ xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ

THANH NIÊN

Sản phẩm gỗ thường rất cồng kềnh, trong khi đó, chi phí vận tải biển đang ở mức rất cao. "Hiện nay, một container sản phẩm gỗ vận chuyển tới Mỹ, cước vận tải lên tới 7.000 - 8.000 USD. Đôi khi, giá trị sản phẩm gỗ trong container chỉ tương đương số tiền trên", ông Hoài nói.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết,hiện nay các doanh nghiệp ngành gỗ đang tích cực kiểm kê phát thải khí nhà kính để tuân thủ các quy định về phát thải.

"Chúng tôi biết đang hoạt động trong một lĩnh vực hết sức nhạy cảm về môi trường. Chúng tôi phải hướng tới chế biến xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh. Thời gian tới, chuyển đổi xanh trong ngành logistics cũng là một trong những yếu tố quyết định tới sự thành bại của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam".

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), chuyển đổi xanh với ngành logistics cần hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện sử dụng năng lượng. Đây vẫn là bài toán khó, thách thức với các doanh nghiệp.

Hiện nay, các phương tiện vận tải hành khách cỡ nhỏ đã bước đầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo thay vì năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, các phương tiện vận tải hàng hóa, vận tải lớn vẫn chưa chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Vị này cho rằng, các cơ quan quản lý, Chính phủ cần tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

VCCI đề xuất Chính phủ xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ví dụ như có cơ chế ưu đãi về thuế, tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín dụng carbon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính…

"Ở góc độ doanh nghiệp, cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Doanh nghiệp cũng cần tranh thủ sự ủng hộ, khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và các tổ chức để tận dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics , tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, vận hành và vận tải...", ông Vinh nói.